Hơn 1.200 nhà bị tốc mái do gió lốc ở Lai Châu

Có hơn 1.200 mái nhà bị tốc mái, hư hỏng do gió lốc kèm mưa lớn trong các đêm 18 - 19/4 và rạng sáng ngày 20/4 trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Người dân xã Sơn Bình, huyện Tam Đường (Lai Châu) lợp lại mái nhà, khắc phục hậu quả gió lốc. Ảnh: Nguyễn Công Hải-TTXVN

Đến cuối giờ chiều 21/4, theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu, số nhà bị tốc mái, hư hỏng do gió lốc kèm mưa lớn trong các đêm 18 - 19/4 và rạng sáng ngày 20/4 trên địa bàn tỉnh đã tăng lên gấp đôi so với thống kê ban đầu và hiện lên đến hơn 1.200 mái nhà. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có thêm gần 50 ha lúa, chuối bị dập nát, gãy đổ... Ước tổng thiệt hại do gió lốc kèm mưa lớn gây ra trên địa bàn tỉnh là trên 3 tỷ đồng.

Nguyên nhân có sự tăng mạnh trong thống kê thiệt hại do trận gió lốc kèm mưa lớn gây ra là do một số địa phương bị ảnh hưởng nằm ở vùng sâu, vùng xa, không có hệ thống thông tin liên lạc.

Như tin TTXVN tại Lai Châu đã đưa tin vào các đêm 18 - 19/ 4 và rạng sáng ngày 20/4, trên địa bàn tỉnh Lai Châu xuất hiện đợt gió lốc kèm mưa lớn, sét đánh bất ngờ khiến 3 người thương vong. Các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất là huyện Tam Đường, Phong Thổ và Mường Tè.

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đã yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, cảnh báo kịp thời, đầy đủ đến người dân để ứng phó kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do giông lốc, sét, mưa đá gây ra; hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, trạm xá, các công trình phúc lợi công cộng. Khi có mưa giông, sấm chớp người dân cần tìm nơi trú ẩn an toàn, không đứng dưới các cây to, cột điện, không cầm vật dụng bằng sắt, tắt điện thoại không sửa dụng. Các địa phương tổ chức chặt tỉa cành, nhánh của các cây cao, cây dễ gãy đổ, cây nằm gần nhà ở, lưới điện; kiểm tra mức độ an toàn, vững chắc của các biển quảng cáo, pa nô, áp phích, các khu vực nhà lá, nhà tạm bợ và các giàn giáo, thiết bị của công trình đang thi công để có biện pháp gia cố, hạn chế thiệt hại khi có gió giật.

Các địa phương, cơ quan chức năng cũng cần chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, vật liệu, phương tiện, nhu yếu phẩm cần thiết, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ người, tài sản, sản xuất và công trình, khắc phục kịp thời hậu quả thiệt hại sau thiên tai, đảm bảo sớm ổn định đời sống và tái sản xuất của nhân dân; tiếp tục rà soát các khu đô thị, các điểm dân cư đặc biệt là các khu điểm tái định cư, những điểm xung yếu có nguy cơ cao xảy ra mưa đá, gió lốc.

UBND các huyện, thành phố có phương án đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các lực lượng Công an, Quân đội trên địa bàn phối hợp với UBND các huyện, thành phố chủ động triển khai các phương án phòng chống giông lốc, sét, mưa đá; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tổ chức ứng cứu khi có yêu cầu; tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của thời tiết thiên tai để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Nguyễn Công Hải (TTXVN)
Gió lốc và sét đánh càn quét Lai Châu
Gió lốc và sét đánh càn quét Lai Châu

Đêm 19/4 và rạng sáng 20/4, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã xảy ra lốc, gió giật mạnh, kèm theo sét.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN