Tính từ ngày 11 đến ngày 16/3, toàn tỉnh Sơn La có 7 bản, 5 xã thuộc 2 huyện Thuận Châu và Quỳnh Nhai xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi; trong đó, huyện Thuận Châu xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi ở 6 bản: Huổi Ái (Mường É), Nà La (Mường Bám), Lốm Bè và Quỳnh Châu (Phỏng Lái), Mòn và Mé (Thôm Mòn), với tổng số lợn chết và tiêu hủy hơn 400 con. Huyện Quỳnh Nhai xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi ở 1 bản Pom Bẹ (Mường Giàng), với tổng số lợn chết và tiêu hủy hơn 240 con.
Ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi yêu cầu các sở, ngành và các huyện, thành phố huy động tối đa các lực lượng, trang thiết bị, kinh phí triển khai những biện pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Đối với các huyện đã xuất hiện bệnh dịch, tiêu hủy triệt để gia súc trong ổ dịch; công bố dịch theo quy định; triển khai thực hiện “5 không” trong phòng chống dịch ở động vật; tổ chức vệ sinh, quét dọn sạch sẽ đường làng, ngõ xóm, chuồng trại và phun thuốc tiêu độc khử trùng. Các huyện lập các chốt kiểm dịch theo đúng quy định về phòng, chống dịch; tổ chức thông tin tuyên truyền kịp thời cho nhân dân biết các biện pháp phòng, chống dịch; xây dựng các phương án hỗ trợ tiêu hủy cho nhân dân kịp thời; tổ chức thông tin báo cáo kịp thời về tình hình chống dịch ở các huyện.
Đối với các huyện chưa có dịch, thông tin tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân biết về tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi; kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, nhất là khâu buôn bán, giết mổ gia súc; thực hiện ngay “5 không” trong phòng chống dịch bệnh thú y; tổ chức vệ sinh khử trùng tiêu độc trong vùng chưa có dịch; nắm chắc tình hình và ứng phó kịp thời khi có lợn ốm, lợn chết…
Trong khi đó, trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp trong cả nước, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố Cà Mau khẩn trương triển khai kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi theo nội dung Quyết định số 379, ngày 12/3/2019 của UBND tỉnh.
Theo đó, cơ quan chức năng tỉnh tăng cường phối hợp triển khai cấp bách, đồng bộ các biện pháp ứng phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Nhất là phối hợp thực hiện tốt việc quản lý, kiểm tra, giám sát nắm chặt chẽ tình hình vận chuyển đàn lợn nhập tỉnh và đàn lợn nuôi trong tỉnh. Đội kiểm tra liên ngành các địa phương tăng cường kiểm tra tại các tuyến đường nhỏ liên thông với các tỉnh, liên huyện để hạn chế tối đa việc vận chuyển lợn bệnh và các sản phẩm từ lợn mắc bệnh, không rõ nguồn gốc từ các tỉnh đưa vào địa bàn tỉnh tiêu thụ; đồng thời xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, giết mổ lợn trái phép trên địa bàn.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau đã thành lập 10 đội ứng phó nhanh để ngăn chặn dịch bệnh. Các đội ứng phó nhanh tại các huyện, thành phố sẽ theo dõi chặt tình hình dịch bệnh tại địa bàn và thường xuyên báo cáo kết quả cho đội ứng phó nhanh của tỉnh để kịp thời xử lý; đồng thời tuyên truyền, vận động đến tất cả các hộ chăn nuôi, kinh doanh và giết mổ lợn trên địa bàn tỉnh ký cam kết không kinh doanh, tiêu thụ thịt lợn không rõ nguồn gốc hoặc bị nhiễm bệnh.
Cơ quan chức năng tỉnh đã bố trí 4 chốt kiểm dịch đặt tại địa bàn ấp Cây Trâm (thuộc địa phận xã Định Bình và trên đoạn Quản lộ Phụng Hiệp, thuộc địa bàn thành phố Cà Mau) và tại Quốc lộ 63 và trên đoạn đường Hành lang ven biển phía Nam (thuộc địa phận huyện Thới Bình, giáp ranh với tỉnh Kiên Giang) để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn từ Campuchia và tỉnh lân cận nhập vào tỉnh Cà Mau.
Các trạm kiểm dịch nói trên đảm trách kiểm soát tất cả các phương tiện vận chuyển lợn ra vào tỉnh; thực hiện biện pháp tiêu độc, sát trùng, kiểm tra sức khỏe lợn, khi nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi sẽ tiến hành lấy mẫu để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh theo đúng quy định.
Tính đến thời điểm này, tỉnh Cà Mau vẫn chưa phát hiện đàn lợn của tỉnh bị nhiễm bệnh tả lợn châu Phi. Tuy vậy, để chủ động ứng phó với dịch tả lợn châu Phi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau khuyến cáo, dịch tả lợn châu Phi tuy không lây nhiễm và gây bệnh ở người, nhưng không vì vậy mà chủ quan và vì lợi ích trước mắt vẫn tiến hành các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn chết, lợn bệnh, lợn không rõ nguồn gốc làm cho dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát. Khi phát hiện lợn có triệu chứng mắc bệnh phải cách ly và báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y, không tự ý xử lý.