Hạnh phúc vun đắp từ sự sẻ chia

Trong nhịp sống hiện đại, với nhiều thay đổi ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình, để gìn giữ ngọn lửa gia đình, nhất là trong những gia đình có nhiều thế hệ cùng sinh sống, cần có sự chia sẻ, cảm thông.


 

Bà Cù Thị Hậu trao kỷ niệm cho 3 đôi các cụ kỷ niệm đám cưới kim cương.

 

Hưởng ứng Năm Gia đình Việt Nam 2013, sáng 17/3, Chi hội người cao tuổi khu dân cư II, bán đảo Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) lần đầu tiên tổ chức kỷ niệm cưới bạc, vàng, kim cương cho 23 cặp ông bà.


Theo truyền thống, với các đôi ông bà đã chung sống 40 - 49 năm là cưới bạc, 50 đến 59 năm là cưới vàng và 60 năm trở lên là cưới kim cương. Trước đây, kỷ niệm đám cưới bạc, vàng, kim cương, các gia đình thường tổ chức quy mô trong gia đình, họ hàng, nhưng nay được làm rộng hơn tại các khu dân cư, nhằm tôn vinh và cũng làm tấm gương để con cháu noi theo. Dẫu biết rằng, tuổi thọ này là tuổi trời cho, đồng thời là kết quả rèn luyện, nhưng một phần không nhỏ làm nên sự trường thọ là hạnh phúc gia đình đem lại. Ông Hoàng Nghĩa Nhuận, 83 tuổi, và vợ là bà Võ Thị Cúc, 79 tuổi, đã sống với nhau được 60 năm, chia sẻ với chúng tôi bí quyết giữ hạnh phúc gia đình là sự chia sẻ, giúp đỡ nhau. “Chúng tôi đều đã nghỉ hưu nên có thời gian rảnh rỗi, và đó cũng là điều kiện để giúp con cháu yên tâm công tác. Mình tạo sự yên tâm cho các con, các cháu. Dù hai thế hệ sống một nhà nhưng biết chia sẻ thì sẽ hạn chế mâu thuẫn. Cuộc sống tình cảm, chung thủy rất quan trọng. Chính vì vậy, với tôi hạnh phúc là vui vẻ về mặt tinh thần, cuộc sống vật chất chỉ vừa đủ”, bà Võ Thị Cúc tâm sự.


Còn bác Hoàng Nghĩa Nhuận, từng là người lính, cho biết: “Chúng tôi vừa cưới nhau đã phải chia tay lên đường chiến đấu. Khi chia tay vợ mới cưới, cách đây 60 năm tôi có làm bài thơ: “Nhớ thương nhau nhưng em ơi đừng ủy mị/Buồn làm chi trong giờ phút chia ly/Em nhớ rằng toàn dân đang kháng chiến trường kỳ”… Trải qua bao bể dâu, nay vợ chồng tôi được khu dân cư tổ chức kỷ niệm đám cưới kim cương, thật là hạnh phúc”.


Bà Hoàng Thị Thanh Xuân, Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi II, bán đảo Bắc Linh Đàm, cho biết: “Khu dân cư có trên 500 hộ dân với nhiều cán bộ, công nhân. Hầu hết những cặp vợ chồng kỷ niệm trong ngày hôm nay đã trải qua hai cuộc kháng chiến gian khổ. Khi cưới nhau, họ chỉ tổ chức đơn sơ với ít thuốc lá tự cuốn, dăm ba đĩa kẹo gia công, quần áo cưới chỉ là quần đen, quần phăng, áo sơ mi, giường cưới có khi chỉ là hai giường cá nhân ghép lại và một ruột chăn không có vỏ… Hoàn cảnh khó khăn, nhiều người cưới xong lên đường ra mặt trận hoặc đi công tác xa nhà, nhưng vẫn thủy chung, tình nghĩa bền chặt, nuôi dạy con cái nên người. Làm công tác ở Hội Người cao tuổi, tôi nhận thấy, trong cuộc sống, không phải lúc nào cũng xuôi dòng mát mái, có lúc bất hòa, xích mích, giận hờn, đau ốm, bệnh tật và càng già càng khó tính nhưng họ biết lắng nghe, nhường nhịn để xây dựng một mái ấm hạnh phúc”.


Cặp đám cưới bạc, bác Hoàng Thị Mai Lượng và Nguyễn Văn Bình (65 tuổi) cũng chia sẻ: “Cuộc sống hiện đại đang tác động lớn đến mô hình gia đình truyền thống nhiều thế hệ. Con cái trưởng thành lập gia đình đều muốn sống riêng để tự lập. Tuy nhiên, vẫn có những gia đình sống giữa các thế hệ vẫn hòa thuận. Như gia đình tôi, tôi thấy quan trọng nhất phải biết nhường nhau, thông cảm mới có hạnh phúc. Nếu ai cũng giữ cái tôi thì khó hòa thuận”.


Bà Cù Thị Hậu, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, cho biết: Các hoạt động kỷ niệm cưới bạc, vàng, kim cương giúp đề cao vai trò của người cao tuổi, sống vui có ích, đóng góp tích cực hơn với các hoạt động xã hội. Đặc biệt các cụ là tấm gương để con cháu học tập, gìn giữ hạnh phúc gia đình.


Ông Trần Hữu Dương, Vụ phó Vụ Gia đình (Bộ VH,TT&DL) cho biết: “Hoạt động mừng các ông bà hạnh phúc song toàn như khu dân cư số II, Bắc Linh Đàm là hết sức thiết thực tại khu dân cư hướng tới Năm Gia đình Việt Nam 2013. Đây là những hoạt động của tổ chức đoàn thể như Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ… rất cần được khuyến khích nhân rộng. Bộ VH,TT&DL và Hội Người cao tuổi Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm tại các khu dân cư, thành phố lớn, nhằm tôn vinh hạnh phúc gia đình, vai trò của người cao tuổi, đồng thời có tính định hướng cho lớp trẻ, nhất là trong thời buổi kinh tế hội nhập bị chi phối bởi nhiều điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Hoạt động này cần khuyến khích, nhân rộng cả vùng sâu, vùng xa, tạo thành phong trào rộng lớn với phương châm: Mỗi gia đình tốt thì xã hội sẽ tốt”.


Bài và ảnh: Xuân Cường

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN