Nhiều cây xanh bị quật ngã khi bão số 2 đi qua. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa có 590 ha lúa bị ngập úng, đổ gãy; 980 ha hoa màu bị đổ gãy, hư hỏng; 1.023 cây lâm nghiệp và cây xanh đô thị bị đổ gãy; 110 m kênh mương bị sạt lở.
Tỉnh Nghệ An có trên 2.000 ha vừng bị đổ, 300 ha dưa hấu bị ngập, 350 ha keo bị đổ và hàng nghìn cây xanh bị đổ. Mưa lớn đã làm sạt lở một số điểm trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ gây ách tắc giao thông. Hà Tĩnh cũng có 607 ha lúa và 290 ha hoa màu bị ngập úng, nhiều cây cối bị gãy đổ; 4 tàu bị chìm trong khu vực tránh trú bão...
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng đã gieo cấy được 469.000 ha lúa vụ Mùa, lúa cấy chủ yếu đang trong giai đoạn bén rễ, hồi xanh và đẻ nhánh. Các tỉnh Bắc Trung bộ đã hoàn thành việc gieo cấy 168.000 ha lúa Hè Thu, 165.000 ha lúa Mùa, lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, một số vùng gieo cấy sớm đã bước vào phân hóa đòng.
Theo báo cáo của Vụ Quản lý công trình Thủy lợi và An toàn đập (Tổng cục thủy lợi), hiện các hồ chứa nước được vận hành cấp nước theo đúng quy trình điều tiết, chưa có hồ chứa nào báo cáo về nguy cơ mất an toàn (trừ hồ Núi Cốc).
Tình hình tích nước đến thời điểm hiện tại không có thay đổi đáng kể, một số hồ điều tiết nước bằng cửa van đã vận hành xả nước bảo đảm an toàn cho hồ. Cụ thể, mực nước trung bình các hồ ở khu vực Bắc bộ đạt 45-55% dung tích thiết kế. Các hồ chứa của các tỉnh Bắc Trung bộ trung bình đạt từ 55-65% dung tích thiết kế. Tại Thanh Hóa, các hồ mới đạt trung bình 35% dung tích thiết kế.
Lực lượng quân đội tham gia thu dọn cây xanh gãy đổ. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Tổng cục Thủy lợi và các địa phương đã chỉ đạo các công ty khai thác công trình thủy lợi chủ động triển khai các giải pháp tiêu nước đệm. Các hệ thống công trình thủy lợi tại các địa phương khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ hiện mực nước đang ở mức thấp. Các hệ thống thủy lợi lớn sẵn sàng phương án bơm tiêu, chống úng bảo vệ diện tích lúa hè thu và lúa mùa đã gieo cấy. Riêng tại tỉnh Thanh Hóa, diện tích ngập tại hai huyện Đông Sơn và Thiệu Hóa, các địa phương đang tích cực bơm tiêu với tổng số 19 tổ máy.
Hiện có 82 hồ chứa tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng là trọng điểm về an toàn đập. Các địa phương đã triển khai phương án và sẵn sàng vật tư, phương tiện để đảm bảo an toàn, đặc biệt là các hồ chứa bị hư hỏng nặng nhưng chưa được sửa chữa nâng cấp để sẵn sàng xử lý các tình huống (Thanh Hóa 18 hồ, Nghệ An 19 hồ, Hà Tĩnh 16 hồ). Tỉnh Nghệ An sẵn sàng phương tiện, máy móc tại cống Diễn Thành để tháo dỡ đê quây đảm bảo tiêu thoát nước trong trường hợp mưa lớn, mực nước trong đồng dâng cao.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng lưu ý, mưa lũ sau bão số 2 còn diễn biến phức tạp. Các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa lũ, sẵn sàng các phương tiện bơm tiêu, chống úng nhanh để cứu lúa và hoa mùa vùng bị ngập úng nặng. Bên cạnh đó, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các công trình đề điều hồ đập, đặc biệt là các công trình trọng điểm đê điều xung yếu, hồ chứa có nguy cơ mất an toàn. Bố trí lực lượng kiểm soát, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua các ngầm, tràn, đường ngập nước, đò ngang đò dọc khi có mưa lũ.