Truy cập các trang web bán vé máy bay online của các hãng hàng không hiện nay, khách hàng có thể dễ dàng tìm, chọn vé máy bay, tùy theo chặng và thời điểm bay với giá không thể rẻ hơn so với trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Động thái này không chỉ là phương án thu hút hành khách, kích cầu du lịch, mà còn là những phương án đảm bảo, duy trì hoạt động kinh doanh, lợi nhuận của các hãng hàng không, trong bối cảnh nhiều người e ngại, sợ đi du lịch trước diễn biến dịch vẫn đang phức tạp.
Chị Hồng Mai, cán bộ Ban Quản lý Khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội chia sẻ: “Chưa bao giờ có thể dễ dàng và thuận lợi hơn. Vé Hà Nội - Phú Quốc vào dịp cuối tuần chỉ hơn 2 triệu đồng/vé khứ hồi đã bao gồm thuế phí. Vé Hà Nội - Đà Nẵng thậm chí chỉ khoảng 1,1 triệu đồng/khứ hồi, vé Hà Nội - Nha Trang khứ hồi cũng chỉ khoảng 1,4 triệu đồng. Trong khi, trước đây, kể cả ngồi canh vé giá rẻ cũng không có cơ hội…”.
Vào trang web online của Vietjet, chặng Hà Nội - Đà Nẵng đang còn khá nhiều chỗ, nhiều ngày, dao động khoảng 1 – 1,2 triệu đồng/vé khứ hồi (đã bao gồm cả mức thuế phí sân bay). Mức giá này của Bamboo Airways nhỉnh hơn một chút, khoảng hơn 1,3 triệu đồng, trong khi nếu bay Vietnam Airlines với dịch vụ đầy đủ, mức giá cũng “siêu rẻ” chỉ 1,4 triệu đồng. Thậm chí, Bamboo Airways có khuyến mại chỉ 2.999.000 đồng ‘combo’ nghỉ dưỡng 3 ngày 2 đêm tại FLC Quy Nhơn, gồm vé máy bay khứ hồi…
Chị Hồng Hà, nhân viên một đại lý bán vé máy bay cho biết, vé chặng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh của các hãng hiện khá rẻ, chưa đến 1,2 triệu đồng/vé khứ hồi ngay cả khi bay với hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines. Giá vé khứ hồi mà Vietjet cung ứng trên chặng này thậm chí chỉ còn chưa đến 1 triệu đồng (đã bao gồm thuế phí), chỉ rẻ bằng 1/3 vé tàu hỏa khoang giường nằm có điều hòa cùng chặng (khoảng hơn 3,3 triệu đồng). Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, có không ít hành khách nhờ chị hủy, trả vé, lượng vé đặt, bán ra thấp hơn hẳn so cùng kỳ với năm 2019.
Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) khẳng định, việc ngành Hàng không ngừng các chuyến bay đến Trung Quốc ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các hãng hàng không. Các hãng hàng không hiện đang nỗ lực mở thêm nhiều đường bay nội địa, mở bán các loại vé giá hấp dẫn, nhằm thu hút hành khách, đảm bảo không để máy bay nằm không, nhưng vẫn phải trả tiền thuê máy bay, nhân công, khấu hao...
Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã có kế hoạch tái cơ cấu thị trường, tái cơ cấu đường bay, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để kích cầu, duy trì ổn định sản xuất kinh doanh; đồng thời, khuyến nghị các hãng hàng không đàm phán với các nhà cho thuê máy bay để trả bớt máy bay, cũng như đàm phán với các nhà sản xuất máy bay để giãn tiến độ nhận máy bay.
Trong khi đó, đại diện các hãng hàng không cũng đang báo cáo lên Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT, Chính phủ và các bộ, ngành để có kế hoạch chi tiết giúp phục hồi thị trường vào cuối năm 2020, năm 2021 và 2022 sau khi dịch COVID-19 được khống chế.
Cục Hàng không Việt Nam đã dự kiến 3 kịch bản cho thị trường hàng không năm 2020 cho đến khi Trung Quốc công bố hết dịch. Cụ thể, nếu dịch hết trong tháng 4 tổng thị trường năm 2020 vẫn đạt 80 triệu khách, tăng 1,1%. Lượng khách qua cảng đạt 119 triệu khách. Tháng 6/2020 hết dịch, tổng thị trường sẽ chỉ đạt 74,6 triệu khách, giảm 5,7%, lượng khách qua cảng đạt 111,6 triệu khách, giảm 4,2%. Nếu tháng 8 mới hết dịch, tổng thị trường sẽ giảm sâu 17,2%, chỉ còn 65,5 triệu khách. Lượng khách qua cảng giảm 15,5%, còn 98,5 triệu khách.
Trong khi đó, theo Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), 50 hãng hàng không đã cắt giảm đáng kể hoạt động, 70 hãng khác đã hủy hoàn toàn tất cả các chuyến bay quốc tế đến và đi từ Trung Quốc. Ước tính, doanh thu ngành Hàng không toàn cầu giảm từ 4 - 5 tỷ USD, xuất phát từ việc giảm khoảng 40% tổng công suất hành khách trong quý I/2020.