Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGTQG đánh giá, từ năm 2010 đến nay, tình hình trật tự ATGT ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng được cải thiện, TNGT liên tục được giảm cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên giao thông ở Hà Nội vẫn còn có nhiều diễn biến phức tạp, tình hình ùn tắc giao thông giảm, nhưng vẫn còn nhiều nhức nhối.
Đến nay, TP Hà Nội chưa có chương trình, kế hoạch đầy đủ và toàn diện, nhằm giải quyết mục tiêu ATGT được phê duyệt cấp thành phố. Để những giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành về công tác bảo đảm ATGT có thể đi vào thực tiễn, vai trò của UBND, Ban ATGT TP Hà Nội và các lực lượng chức năng cực kỳ quan trọng.
Ông Jeahoon sul, Viện Nghiên cứu giao thông Hàn Quốc cho biết, phương tiện tham gia chủ yếu tại TP Hà Nội hiện vẫn là xe máy và theo thống kê cho thấy có đến 60% TNGT là do xe máy gây ra. Bởi vậy, việc thiết lập ATGT cho phương tiện xe máy là cần thiết. Ở TP Seoul Hàn Quốc, để đảm bảo ATGT, thành phố đã triển khai dự án ưu tiên gồm: Giới thiệu tốc độ của 2 làn xe xuống dưới 30 km/giờ; mở rộng và lắp đặt khu vực an toàn dành cho trẻ em/người già và gia tăng kiểm soát; cải thiện hạ tầng đường bộ và mở rộng vạch qua đường dành cho người đi bộ; hình thành hệ thống kiểm tra cố định và hệ thống hợp tác về tai nạn đối với người đi bộ...
Các chuyên gia đến từ Hàn Quốc đã trình bày nhiều tham luận đánh giá về tình hình trật tự giao thông đường bộ của TP Hà Nội, đưa ra các nhóm vấn đề chính để đảm bảo ATGT về hạ tầng, môi trường đảm bảo ATGT, vấn đề giáo dục, vấn đề nâng cao năng lực quản lý của người điều khiển đảm bảo ATGT… nhằm mục tiêu đến 2022, thương vong do TNGT giảm 20% so với 2016.
“Ủy ban ATGTQG sẽ tổng hợp các kết quả nghiên cứu, xây dựng thành mô hình đảm bảo ATGT cấp tỉnh, thành phố và gửi cho Ban ATGT 63 địa phương để làm tài liệu nghiên cứu và có thể áp dụng vào trong kế hoạch đảm bảo ATGT của địa phương”, ông Hùng cho biết.