Hà Nội nhân rộng mô hình thanh tra an toàn thực phẩm

Sau triển khai thí điểm tại 5 quận, huyện và 10 phường, xã, thị trấn đạt kết quả bước đầu, thành phố Hà Nội tiếp tục nhân rộng mô hình này tại các quận, huyện khác trên địa bàn.

Nhân viên Thú y kiểm tra xuất xứ sản phẩm thịt đông lạnh tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ thực phẩm An Hà ở xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Theo báo cáo của Sở Y tế, tại khu vực thanh tra chuyên ngành thực phẩm gồm 5 quận, huyện: Đông Anh, Thường Tín, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Ba Đình và 10 xã, phường, thị trấn với tổng số 12.506 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra 2563 cơ sở, phát hiện 747 cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó đã xử lý 543 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 750 triệu đồng, đóng cửa 17 cơ sở.

Mặc dù đã đạt kết quả bước đầu, nhưng quá trình triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm vẫn gặp khó khăn như: Cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, phường, thị trấn còn nhỏ, lẻ, thường xuyên biến động, tồn tại chợ tạm, chợ cóc… gây khó khăn cho thanh tra và xử lý vi phạm hành chính.

Quy trình tổ chức cuộc thanh tra đòi hỏi chặt chẽ, phức tạp, mất nhiều thời gian hơn so với kiểm tra nên số cơ sở được thanh tra không nhiều. Mặt khác, cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành mặc dù đã được tập huấn cấp chứng chỉ thanh tra, nhưng thời gian tập huấn ngắn, kiến thức và kinh nghiệm hạn chế nên còn e ngại trong công việc.

Thực tế hiện nay, tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, quá hạn, sản xuất không đúng quy trình, không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn tràn lan trên thị trường đang là mối lo ngại của người dân. Thành phố hiện có 59.109 cơ sở thực phẩm; 425 chợ, 117 siêu thị, 22 trung tâm thương mại; 1.047 điểm giết mổ nhỏ, lẻ thủ công và khoảng 240.000 hộ gia đình trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ.

Sản xuất thực phẩm của thành phố hiện mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu, còn lại phải nhập từ các tỉnh và nhập khẩu. Để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, cùng với việc mở rộng mô hình thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, thành phố vẫn phải tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa thanh tra đột xuất và thanh tra độc lập về vấn đề này.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, để công tác thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm đạt hiệu quả cao, cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại tuyến quận, huyện và xã, phường, thị trấn; tuyên truyền sâu rộng các vi phạm về an toàn thực phẩm; tăng tần suất thanh tra chuyên ngành, tập trung thanh tra đột xuất các địa bàn trọng điểm như chợ, lò giết mổ, thức ăn đường phố, rau, thịt; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm và công khai danh sách các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Tuyết Mai (TTXVN)
Đưa thực phẩm sạch đến bàn ăn
Đưa thực phẩm sạch đến bàn ăn

Nhiều nông sản sạch, an toàn đang bị đánh lận với hàng kém chất lượng khiến người tiêu dùng mất niềm tin. Để bảo vệ chính mình, nhiều tỉnh thành, doanh nghiệp, hợp tác xã đã nỗ lực tìm mọi cách đưa những sản phẩm nông nghiệp “sạch”, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tới tận tay người tiêu dùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN