Hà Nội: Mưa lớn, xuất hiện một số điểm úng ngập

Ngày 12/5, theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội, do ảnh hưởng của vùng mây đối lưu, trên địa bàn thành phố Hà Nội có mưa rào cục bộ tại một số quận, huyện với lượng mưa từ 30-70mm.

Chú thích ảnh
Đoạn ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt ngập sâu tối 12/5. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Theo đó, đến thời điểm 19 giờ, xuất hiện một số điểm úng ngập như: 155 Phùng Hưng, Tông Đản, Liên Trì - Nguyễn Gia Thiều, Thụy Khuê, Cao Bá Quát, Ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Gầm chui xe lửa phố Thiên Đức.

Tại thời điểm xảy ra mưa, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội đã thực hiện mở cửa phai của các hồ điều hòa như hồ Thiền Quang, Bảy mẫu, Đống Đa… và vận hành hợp lý các trạm bơm đầu mối Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế… để hạ mức nước trên hệ thống theo đúng quy định; đồng thời triển khai công tác ứng trực, giải quyết thoát nước, tua vớt rác tại miệng thu trên toàn địa bàn quản lý, cũng như tiếp tục ứng trực theo kế hoạch.

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, do ảnh hưởng của không khí lạnh nén rãnh áp thấp nên từ tối 12/5 đến sáng 13/5, thành phố Hà Nội có mưa rào, có nơi mưa to và dông rải rác. Tổng lượng mưa phổ biến 10-30mm, có nơi lớn hơn, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cảnh báo, đêm và sáng các ngày 14, 15 và 16/5, thành phố Hà Nội tiếp tục mưa rào, có nơi mưa to và dông, kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mức độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh cấp 1. Do vậy, người dân cần cẩn trọng khi di chuyển ra ngoài trời. 

Từ ngày 17 đến 19/5, thành phố Hà Nội mưa chủ yếu về đêm và sáng sớm, trưa và chiều trời nắng, nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Trước đó, ngày 4/5, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 138/KH-UBND về bảo đảm công tác thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành thành phố mùa mưa năm 2024. Kế hoạch đưa ra nhằm phát huy hiệu quả tiêu thoát nước của hệ thống hiện có, đưa nước nhanh nhất về các nguồn tiêu và các trạm bơm đầu mối, đảm bảo thoát nước nhanh, cải tạo hệ thống thoát nước, giảm thiểu các điểm úng ngập cục bộ (về mức độ ngập và thời gian ngập).
 
Theo đó, UBND thành phố Hà Nội đề ra các giải pháp thực hiện bảo đảm thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành, thành phố mùa mưa năm 2024 như: Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, xây dựng kịch bản với các tình huống cụ thể, thực hiện duy trì thường xuyên hệ thống cống, rãnh thoát nước, mương, sông, hồ điều hòa; kiểm soát, thường xuyên giữ mực nước đệm trên hệ thống mương, sông, hồ điều hòa thoát nước. Công tác sửa chữa, bảo dưỡng các công trình đầu mối (trạm bơm, đập điều tiết, cống qua đê...).

Song song với đó, UBND thành phố cũng yêu cầu các đơn vị liên quan sửa chữa giải quyết úng ngập cục bộ và khắc phục sự cố trên hệ thống thoát nước; triển khai các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải bằng nguồn vốn đầu tư công; triển khai công tác ứng trực giải quyết thoát nước mùa mưa; nghiên cứu xây dựng phần mềm, cơ sở dữ liệu quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị trên nền tảng hệ thống thông tin địa lý GIS và cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia (bao gồm lĩnh vực thoát nước).
 
Ngoài ra, UBND thành phố giao Sở Xây dựng là đầu mối đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị quản lý và duy trì thoát nước xây dựng phương án thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, rà soát công tác duy tu duy trì đảm bảo lòng cống rãnh thông thoáng phục vụ tốt nhiệm vụ thoát nước; thường xuyên kiểm tra, giám sát các vị trí có nguy cơ úng ngập để đôn đốc, chỉ đạo, giải quyết kịp thời, đầu mối tổng hợp để chia sẻ thông tin phục vụ cảnh báo ngập lụt và hướng dẫn người dân tham gia giao thông khi điều hành thoát nước từ xa.

Thêm vào đó, các đơn vị liên quan cần xây dựng kế hoạch ứng trực 24/24h cụ thể, chi tiết cho từng vị trí, từng khu vực và cả kế hoạch ứng phó đối với trận mưa vượt công suất thiết kế của hệ thống; triển khai ứng trực kịp thời, đúng kế hoạch với đầy đủ phương tiện, thiết bị, công cụ dụng cụ, nhân lực khi có mưa trên toàn địa bàn; trong đó trọng tâm là các điểm úng ngập trên các trục đường giao thông chính, các đường phố có mật độ giao thông cao và địa hình trũng cục bộ dễ gây ùn tắc giao thông.

Nguyễn Thắng (TTXVN)
Nguy cơ sạt lở đất đá do mưa lớn kéo dài ở Tuyên Quang
Nguy cơ sạt lở đất đá do mưa lớn kéo dài ở Tuyên Quang

Theo Đài Khí tượng và Thủy văn tỉnh Tuyên Quang, những ngày qua, các khu vực trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to, dông và kèm theo sét. Lượng mưa phổ biến từ 50 - 100 mm/đợt. Mưa lớn kéo dài kèm dông khiến nguy cơ sạt lở đất đá nơi đồi dốc, ngập úng vùng trũng, báo động rủi ro thiên tai cấp 1.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN