Các đơn vị đã tổ chức khảo sát thực địa, lựa chọn địa điểm để giám sát chất lượng môi trường các ô chôn lấp.
Cụ thể, các địa phương dự kiến lấy mẫu tại 1 khu vực/điểm/hố chôn lấp ở các xã: Vật Lại (huyện Ba Vì), Cổ Đông (thị xã Sơn Tây), Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai), Tự Lập (huyện Mê Linh), Phù Lưu Tế (huyện Mỹ Đức), Lam Điền (huyện Chương Mỹ) và Trung Mầu (huyện Gia Lâm). Các địa phương dự kiến lấy mẫu tại 2 khu vực/điểm/hố chôn lấp gồm các xã: Tiên Dương (huyện Đông Anh) và Phù Linh (huyện Sóc Sơn).
Căn cứ ý kiến của các Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng phương án quan trắc, giám sát chất lượng môi trường các khu vực chôn lấp lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi. Thời gian quan trắc, lấy mẫu sau 30 ngày, 60 ngày và 90 ngày kể từ ngày hoàn thành thi công ô chôn lấp tiêu hủy lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đây sẽ là cơ sở để các sở ngành, địa phương có giải pháp căn cơ lâu dài đối với bài toán môi trường tại các điểm chôn lấp trên địa bàn Hà Nội.
Theo số liệu mới nhất từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, toàn thành phố có 30.373 hộ chăn nuôi có lợn mắc dịch tả châu Phi, chiếm 37,6% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi; số lợn mắc bệnh và phải tiêu hủy khoảng 560.000 con. Chỉ riêng tuần từ 9 - 15/9, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã phát sinh tại 522 hộ, cơ sở chăn nuôi, 7 thôn, 1 xã; làm mắc bệnh và tiêu hủy 4.631 con lợn với trọng lượng 257.969 kg.
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, có 106 xã, phường dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng lại phát sinh trở lại; có 248 xã, phường (chiếm 55% tổng số xã, phường có dịch) và 3 quận (Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Long Biên) dịch bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh.
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến khó lường, Sở chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi Thú y phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, ngành liên quan chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch bệnh sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh; giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh tới từng hộ, thôn, xóm, cụm dân cư đảm bảo phát hiện, báo cáo kịp thời, khoanh vùng, khống chế không để dịch bệnh lây lan.
Các đơn vị duy trì trực 24/24h tiếp nhận thông tin về dịch bệnh và an toàn thực phẩm phản ánh qua đường dây nóng; thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến, biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên thế giới, cả nước để kịp thời cung cấp thông tin nâng cao năng lực hệ thống ngành, hướng dẫn người chăn nuôi.