Hà Nội di dời khẩn cấp dân tại 3 chung cư cũ

Trước thực trạng xuống cấp nguy hiểm cấp độ D, có nguy cơ sập đổ của 3 khu nhà chung cư cũ tại phường Thành Công, Ngọc Khánh và Cống Vị (quận Ba Đình), UBND thành phố Hà Nội đã quyết định di dời các chủ sở hữu, sử dụng tại các đơn nguyên khu nhà tập thể cũ này.

Ngày 26/4, Sở Xây dựng Hà Nội đã cho biết thông tin trên. Cụ thể, thành phố giao UBND quận Ba Đình chủ trì xây dựng phương án di dời và phương án bồi thường, hỗ trợ, tạm cư, tái định cư cho các chủ sở hữu, sử dụng tại đơn nguyên 1, 2 nhà G6A, phường Thành Công; đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh, phường Ngọc Khánh; đơn nguyên 1 và đơn nguyên 3 tập thể Bộ Tư pháp, phường Cống Vị, do nguy hiểm.

Theo đề xuất của Sở Xây dựng Hà Nội, UBND thành phố đã chấp thuận bố trí 172 căn hộ (bao gồm 100 căn tại nhà cao tầng Lô E Khu đô thị Yên Hòa, quận Cầu Giấy; 42 căn hộ tại nhà A1, A2, X2 Phú Thượng, quận Tây Hồ và 30 căn hộ tại nhà CT1 Khu đô thị Thành phố Giao lưu, quận Bắc Từ Liêm) để UBND quận Ba Đình bố trí tạm cư cho các hộ gia đình phải di dời (cùng với các hộ đơn nguyên 3 nhà C8 Giảng Võ).

Đối với những trường hợp các hộ gia đình có nguyện vọng nhận tiền để tự thuê nhà tạm cư, quận Ba Đình căn cứ chính sách được UBND Thành phố chấp thuận tại văn bản số 9224/UBND-TNMT, ngày 25/11/2014, ứng kinh phí để các hộ gia đình tự thuê nhà ổn định cuộc sống.

Thành phố cũng đề nghị UBND các phường: Ngọc Khánh, Thành Công, Cống Vị tuyên truyền, vận động các chủ sở hữu, sử dụng chủ động tháo dỡ phần cơi nới trái phép làm ảnh hưởng tới kết cấu công trình; lắp đặt biển báo, rào chắn và xây dựng phương án đề phòng trường hợp khẩn cấp xảy ra.

Sau khi phương án di dời được thành phố phê duyệt, trường hợp hết thời hạn quy định tại Khoản 5, 6 Điều 7 Nghị định số 101/2015/NĐ-CP, ngày 20/10/2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, nếu các chủ sở hữu không thực hiện việc lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản làm chủ đầu tư thực hiện việc phá dỡ để cải tạo xây dựng lại nhà chung cư thì các cấp chính quyền và đơn vị chức năng quyết định các biện pháp hành chính tổ chức thực hiện cưỡng chế di dời các chủ sở hữu, chủ sử dụng ra nơi khác theo quy định của pháp luật.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, khu tập thể nhà A Ngọc Khánh được xây dựng từ năm 1985, gồm 2 đơn nguyên với 50 hộ sinh sống. Sau hơn 30 năm sử dụng, tòa chung cư này đã xuống cấp nghiêm trọng, hầu hết trần nhà của các hộ thấm dột, tường bong tróc, cầu thang và mặt sàn nghiêng dần đều.

Đặc biệt, tại khu đơn nguyên 2, bề mặt cầu thang nghiêng lệch về 1 bên, ngay từ chiếu nghỉ cầu thang tầng 1 nối tầng 2 lên tới tận tầng 5 hoàn toàn được chống bằng cừ, khung sắt.

Điểm nối giữa tường gạch và trần nhà bị nứt chạy dọc, hiện 2 đơn nguyên bị nghiêng và đang bị tách ra theo hình chữ V, khiến không chỉ cư dân sống trong tòa nhà này mà với bất kì ai nhìn từ ngoài vào cũng có cảm giác bất an.

Tương tự, tại khu nhà G6A, phường Thành Công tình trạng 2 đơn nguyên liền kề nhau của khu nhà 5 tầng cũng bị nghiêng về 2 bên. Bằng mắt thường có thể thấy rõ, khoảng cách 2 đơn nguyên từ tầng 1 chỉ khoảng bằng 1 gang tay, nhưng lên tới tầng 5, 2 khối nhà đã bị xô về 2 bên tạo thành hình chữ V với khoảng cách gần 1m.

Đáng lo ngại là mặc dù nằm trong diện chung cư nguy hiểm cấp độ cao nhất từ nhiều năm nay, nhưng việc cơi nới, sửa chữa vẫn diễn ra thường xuyên khiến người dân ngày đêm lo âu, sợ hãi vì những căn hộ xuống cấp, có thể sập đổ bất cứ lúc nào…

Hiện nay, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 1.516 chung cư cũ có quy mô từ 2 đến 5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1990. Tập trung chủ yếu ở 4 quận nội thành cũ và quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân. Hầu hết các nhà chung cư đều đã bán nhà cho người đang thuê theo Nghị định số 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở.

Mặc dù Hà Nội đã rất nỗ lực trong việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nhưng vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, kết quả thực hiện của Hà Nội vẫn còn rất chậm (mới đạt khoảng hơn 1% tổng số chung cư cũ cần cải tạo), gây không ít bức xúc cho người dân Thủ đô.

Xác định đây là nhiệm vụ lớn và khó, thời gian qua, Nhà nước và thành phố đã chung tay xây dựng một hành lang pháp lý đầy đủ để triển khai thực hiện các dự án cải tạo chung cư. Song, vấn đề quan trọng của Hà Nội là làm thế nào để những nghị định, chế tài này đi vào cuộc sống, tháo gỡ được bản chất vướng mắc, đó là mâu thuẫn về quyền lợi giữa nhà đầu tư và người dân thì mới có thể đẩy nhanh được tiến độ thực hiện trên toàn địa bàn.

Minh Nghĩa (TTXVN)
Cải tạo chung cư cũ vẫn ì ạch
Cải tạo chung cư cũ vẫn ì ạch

Việc cải tạo chung cư cũ được Hà Nội đặt ra nhiều năm nay nhưng vẫn “dậm chân tại chỗ”. Vừa qua, UBND thành phố đã công bố phân loại mức độ nguy hiểm của 42 chung cư ở 5 quận, huyện; từ đó sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ cải tạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN