Ngày 14/12, trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết: Từ đầu năm 2020 đến nay, sau nhiều đợt kiểm tra tại 21 tuyến phố, Sở Xây dựng đánh giá, về cơ bản, chủ đầu tư, các đơn vị thi công tuân thủ theo thiết kế và các quy định về quản lý chất lượng công trình. Tuy nhiên, tại một số dự án, quá trình thi công dàn trải, không dứt điểm theo từng tuyến phố; vật liệu xây dựng chiếm dụng lòng đường, vỉa hè; thi công gây bụi bẩn...
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, Ban quản lý dự án các quận làm chủ đầu tư, lựa chọn đơn vị nhà thầu các dự án lát đá vỉa hè. Ngoài ra, phòng quản lý đô thị quận là cơ quan chuyên môn thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu. Do đó, trách nhiệm chính trong việc thi công, vận hành lát đá vỉa hè thuộc về Ban quản lý dự án các quận.
Theo ghi nhận của phóng viên, trên tuyến phố Thi Sách (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), vỉa hè ở đây đã được bóc gạch cũ để thay bằng đá xanh (loại đá được quảng cáo là có độ bền đến 70 năm). Mặc dù năm ngoái, tuyến phố này cũng bị đào lên lát lại vỉa hè... Vậy là dịp cuối năm, phố Thi Sách lại biến thành “đại công trường” gây phiền toái cho người tham gia giao thông.
Tại đường Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa), các công nhân vẫn đang gấp rút hoàn thiện lát đá trên vỉa hè. Dẫu vậy, đường sá vẫn khá bụi bặm trong quá trình thi công. Chị Nguyễn Phương Trinh, trú tại ngõ 55 đường Huỳnh Thúc Kháng cho biết: “Kinh sợ nhất là khi các đơn vị thi công khoan bê tông và cắt đá lát vỉa. Công trường thi công không được che chắn nên khi hoạt động khoan cắt diễn ra, bụi bay khắp đường, người tham gia giao thông hứng chịu đã đành, nhà dân nơi đây không có cách nào ngăn bụi…”.
Liên quan đến chất lượng các dự án thi công, lát đá vỉa hè ở Hà Nội, ngày 4/12/2020, Sở Xây dựng thành phố Hà Nội đã có văn bản số 11768/SXD-GĐXD gửi UBND một số các quận, huyện nêu rõ: Tại một số dự án, quá trình thi công dàn trải, không dứt điểm theo từng tuyến phố; vật liệu xây dựng chiếm dụng lòng đường; thi công gây bụi bẩn... mặt hè một số tuyến phố bị hư hỏng như đường Nguyễn Trãi, phố Nguyễn Đình Chiểu (lát đá tự nhiên), phố Trần Duy Hưng (lát gạch giả đá)...
Theo đó, ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đã đề nghị UBND các quận, huyện khẩn trương tổ chức rà soát và lựa chọn nhóm đá có độ bền, độ uốn cao hoặc tăng chiều dày tấm lát đá. Đặc biệt, phải quản lý chất lượng ngay từ khâu lập hồ sơ mời thầu, nguồn gốc xuất xứ các loại đá.
Trước đó vào ngày 3/8/2020, trong Báo cáo số 6829/SXD-GĐXD gửi UBND thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong đã chỉ ra nhiều hạn chế, khuyết điểm trong các dự án lát đá vỉa hè tại quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình…
Theo đó, có dự án, hồ sơ thiết kế chưa quy định được rõ cường độ vật liệu đá lát hè, chưa chỉ định rõ mạch lát, thiếu thiết kế chi tiết tại các vị trí góc bó vỉa (quận Ba Đình, Hai Bà Trưng...). Một số dự án không cung cấp được giấy chứng nhận hợp quy và bản thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy của cơ quan chuyên ngành đối với vật liệu đá tự nhiên theo quy định. Tần suất lấy mẫu và kết quả thí nghiệm tại một số tuyến phố chưa đảm bảo.
Đáng chú ý, công tác kiểm tra, giám sát vật liệu đá đầu vào tại một số tuyến phố là chưa đạt yêu cầu về chiều dày đá lát; tiêu chuẩn kỹ thuật về độ bền uốn, độ hút nước, độ cứng vạch bề mặt. Đặc biệt, có hiện tượng đường dẫn hướng cho người khuyết tật đi thẳng vào vị trí cột điện chiếu sáng, tủ điện như tại phố Vân Hồ (quận Hai Bà Trưng); viên đá bó vỉa bị vỡ, sứt mẻ chưa được thay thế; đá vừa chuyển về đến chân công trình đã bị vỡ hoặc sứt mẻ…
Gần đây nhất vào cuối tháng 11/2020, Chi cục Giám định xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND quận, huyện, chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý theo phân cấp trên địa bàn. Đặc biệt, phát huy vai trò của UBND cấp xã, tổ dân phố trong việc giám sát cộng đồng và bảo đảm chất lượng sử dụng sau lát hè; thi công dứt điểm cho từng tuyến phố bảo đảm chất lượng, vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị; nghiêm cấm việc sử dụng mặt hè trái công năng (như làm đỗ xe) gây hư hỏng, xuống cấp mặt hè.
Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2021 đã cận kề, chủ trương chỉnh trang vỉa hè của Hà Nội là đúng đắn, tạo diện mạo khang trang, sạch đẹp cho thành phố… Tuy nhiên, việc triển khai chủ trương đó sao cho hợp lý, vừa tránh ô nhiễm môi trường, vừa tránh được tốn kém, lãng phí… rất cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các đơn vị quản lý khi thi công, cũng như ý thức của người dân khi công trình đưa vào sử dụng.