Trong khi nhiều người vẫn có suy nghĩ thiếu thiện cảm về các y, bác sĩ (BS), cho rằng họ tắc trách, thậm chí vô cảm, “thích” nhận phong bì và “ham” hoa hồng kê toa… thì vẫn còn những cách nhìn tích cực về y đức của những người thầy thuốc hôm nay.
“Con sâu bỏ rầu nồi canh”
“Xã hội đang nhìn ngành y với con mắt quá cay nghiệt, việc nhận phong bì, việc một số cán bộ y tế thiếu tế nhị với bệnh nhân chỉ là con sâu bỏ rầu nồi canh thôi”, BS. Nguyễn Thị Đức Hiền, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nội, Bệnh viện Xanh Pôn khẳng định.
Theo BS.Hiền, ở khoa Hồi sức cấp cứu nội, từ hộ lý, điều dưỡng đến BS đều rất tận tình với người bệnh và rất tự trọng. Riêng BS Hiền sợ nhất là đang cấp cứu mà người nhà bệnh nhân cứ xông vào và… thọc tay vào túi BS để đưa phong bì. “Tôi bị rách áo nhiều lần vì thế rồi. Rất nhiều người nhà bệnh nhân hoặc bệnh nhân rất ngạc nhiên khi thấy BS từ chối nhận phong bì dù thời điểm đó là giữa đêm rét mướt, chỉ có gia đình người bệnh và cán bộ của tôi đưa bệnh nhân đi chiếu chụp X quang”.
Khoa Hồi sức cấp cứu ngoại - Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) chăm sóc người bệnh toàn diện. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN. |
BS Hiền cũng tâm sự rằng, chị không giáo điều đến mức cấm cán bộ của mình nhận phong bì của người bệnh. “Chúng tôi không đòi hỏi, nhưng nếu cảm thấy xứng đáng thì tôi cho phép anh chị em nhận và nhận một cách đàng hoàng. Đơn cử, sau khi cứu sống bệnh nhân, nhiều gia đình đã đến và cảm ơn chúng tôi với thái độ trân trọng thì chúng tôi có thể nhận sự cảm ơn đó chứ, còn nếu đưa giấm giúi với mục đích khác thì là sự xúc phạm đối với chúng tôi”.
Hoàng Thị Diệu Thuần, cô gái trẻ có 7 năm chung sống với căn bệnh ung thư, cũng rất cảm phục, biết ơn các y, BS Viện Huyết học và Truyền máu TƯ, nơi em vừa được ghép tế bào gốc thành công. Diệu Thuần cho hay: “May mắn là em được điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu TƯ, nơi các BS, y tá rất nhiệt tình chữa trị cho bệnh nhân mà không đòi hỏi gì thêm. Những cử chỉ và thái độ ân cần của các y, bác sĩ nơi đây đã giúp những người bệnh như em thêm thoải mái, quyết tâm phấn đấu vượt qua mọi khó khăn trong quá trình điều trị”.
“Không phải y, BS nào cũng nhận phong bì và thích nhận phong bì. Nhiều khi, chính bệnh nhân hoặc gia đình họ lại là người làm “hư” cán bộ y tế. Tại bệnh viện tôi từng có trường hợp, sau khi gia đình không đưa được phong bì cho BS được chỉ định mổ cho người nhà họ, thì nằng nặc đòi bệnh viện… đổi BS mổ khác. Thực tế, không ít trường hợp gia đình bệnh nhân ăn không ngon, ngủ không yên khi thấy BS kiên quyết từ chối nhận phong bì…”, một cán bộ Bệnh viện Mắt TƯ bức xúc nói.
Nhìn nhận về vấn đề này, GS Nguyễn Lân Dũng, cho rằng: “Số đông thầy thuốc vẫn luôn luôn gìn giữ được đức tính tự trọng và không dễ gì bị đồng tiền làm hao tổn đến uy tín của mình. Tại nhiều cơ sở y tế, các BS đã góp tiền để giúp bệnh nhân trả đủ viện phí khi thấy họ quá nghèo. Tại các bệnh xá các vùng sâu, vùng xa có biết bao tấm gương của các thầy thuốc tận tụy chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, được nhân dân tôn trọng và yêu quý, nhất là các bác sĩ quân hàm xanh- những y bác sĩ thuộc bộ đội biên phòng. Vậy nên, cần nêu gương những tấm gương như vậy để dư luận xã hội không “vơ đũa cả nắm” đối với các y, BS, những người thường có cường độ làm việc nặng hơn, căng thẳng hơn so với rất nhiều ngành nghề khác".
Tất nhiên, không thể phủ nhận chuyện tiêu cực còn khá phổ biến tại các bệnh viện, kể cả ở các phòng khám tư nhân. Đó là, chuyện kê đơn thuốc quá mức cần thiết và chỉ định chỗ mua thuốc quen biết, chuyện khám bệnh và chữa bệnh thiếu trách nhiệm khiến người bệnh tiền mất tật mang, chuyện ai có tiền thì được ưu tiên trước, chuyện vòi vĩnh công khai, chuyện thản nhiên nhận phong bì, chuyện lạm dụng quyền hạn để xà xẻo công quỹ… Ngành y cũng đã có nhiều biện pháp để kiểm tra và ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực nêu trên nhưng khắc phục chưa triệt để.
“Có thực mới vực được đạo”
Theo GS Nguyễn Lân Dũng, để nâng cao y đức cho đội ngũ cán bộ ngành y, nhất là những cán bộ trẻ thì trước tiên, các trường y cần chú trọng giáo dục cho sinh viên về y đức, về lòng tự trọng, lòng nhân ái của người thầy thuốc, của nghề trị bệnh cứu người. Cần duy trì Lễ tuyên thệ theo lời thề Hyppocrates trước khi tốt nghiệp. Đó là, “Tôi sẽ thực hiện chế độ điều trị cho bệnh nhân theo cách có lợi cho họ... Tại bất kỳ nhà nào mà tôi bước vào thì tôi sẽ chỉ vì lợi ích của bệnh nhân, tự cấm mình trước mọi hành vi xấu xa cố ý và bại hoại và nhất là ý đồ quyến rũ phụ nữ và thiếu niên... cho dù tôi có nghe hay có thấy những gì diễn ra tại nơi tôi, đang lúc làm việc hoặc cả khi tôi đang không trong tình huống hành nghề, tôi sẽ im lặng đối với những gì không bao giờ nên được tiết lộ, xem sự kín miệng trong trường hợp ấy như một bổn phận...".
Khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc Vân Kiều ở Làng Ho, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) Ảnh: Lê Phú |
“Mặt khác, cần phải thấy người thầy thuốc cũng như mọi người khác vẫn phải lo đến đời sống của mình, của con cái mình. Phải tạo cho họ đủ sống để có thể yên tâm hành nghề. Tôi thấy ở Bệnh viện Pháp Việt (tại Thành phố Hồ Chí Minh) trong hợp đồng chữa bệnh có các khoản rất rành mạch về tiền bồi dưỡng bác sĩ, bồi dưỡng y tá và vì vậy người bệnh muốn đưa thêm tiền cho y, bác sĩ cũng không được.
Như vậy là sòng phẳng. Bên cạnh đó, những chuyện tiêu cực cần được kiểm soát và phê phán đúng mức. Riêng chuyện xà xẻo công quỹ, nhận tiền hối lộ khi thu nhận hoặc đề bạt cán bộ thì cần được xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Luật Phòng, chống tham nhũng cần sửa đổi để người đưa hối lộ một cách bắt buộc không bị coi là phạm tội. Và trên hết vẫn là sự tôn vinh Nghề Thầy (thầy thuốc, thầy giáo) để các Thầy luôn cảm thấy thực sự vinh quang khi đảm đương nghề cao quý đó”, GS Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, Thiếu tướng, PGS.TS Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện 103 khẳng định: “Xây dựng và nâng cao y đức không thể chỉ kêu gọi suông. Con người ta nếu chỉ kêu gọi, trong những tình huống nhất định sẽ đáp ứng nhưng cứ trường diễn, kéo dài thì nó sẽ nảy sinh vấn đề khác. Trong khi mỗi người đều có gia đình, con cái phải học hành, có bố mẹ ốm đau và các quan hệ xã hội phải xử lý. Thu nhập chỉ có đồng lương, nhưng hàng ngày hàng giờ, giá cả của thị trường từ mớ rau, cân thịt, cân gạo cũng thay đổi, chứ chưa nói đến những hàng tiêu dùng cao cấp khác. Thế họ lấy tiền ở đâu để chi tiêu? Nếu bệnh viện chỉ kêu gọi không thì chắc chắn vấp phải những rào cản như vậy".
Từ nhận thức đó, Đảng ủy và Ban Giám đốc bệnh viện đã tập trung vào việc nâng cao đời sống cán bộ chiến sỹ trong khuôn khổ pháp luật, quy định của quân đội cho phép. Việc đầu tiên là Bệnh viện 103 tập trung vào quản lý chặt chẽ từng khâu từ khám bệnh, chữa bệnh, từ đấu thầu mua thuốc, vật tư, trang thiết bị, chi tiêu sử dụng hàng ngày để vừa tiết kiệm vừa đảm bảo được hiệu quả và chất lượng khám chữa bệnh.
Việc thứ hai, bệnh viện chăm lo, tổ chức nhiều khâu hoạt động để tăng thêm thu nhập chính đáng cho bệnh viện để trang trải cho cán bộ, công nhân viên.
Tất cả những thu nhập từ dịch vụ y tế và các nguồn thu khác, bên cạnh dùng để tái đầu tư sức sản xuất, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, bệnh viện tập trung chi trả cho người lao động. Chi trả cả dịch vụ y tế cố định, chi trả cả năng suất lao động phát sinh.
Cùng với đó, bệnh viện phát huy mối quan hệ của mình và sự giúp đỡ của các cơ quan cấp trên để đầu tư xây dựng các khu nhà ở cho cán bộ, công nhân viên…
Cần sự minh bạch giữa công và tư
TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) nhận định: “Không thể đổ lỗi cho một mình cá nhân y, BS (dù vai trò cá nhân của họ là rất quan trọng) trong việc nhận phong bì hoặc có sự sa sút về y đức”.
Vấn đề nằm ở chỗ, đang có sự lẫn lộn giữa “công và tư” trong hệ thống y tế mà cho đến nay chưa thấy một quyết sách nào mang tính hệ thống để giải quyết vấn đề này. Thêm vào đó là thiếu cơ chế giám sát chất lượng khám chữa bệnh độc lập, đẩy người dân luôn vào thế có nguy cơ bị lạm dụng. Người dân ngày càng nhận ra được thực trạng này nên luôn có tâm trạng thất vọng, thậm chí mất niềm tin vào hệ thống y tế cả công và tư.
Nhìn sâu hơn nữa, thì những vấn đề trên lại nằm ở cung cách làm việc “Độc quyền và duy y chí”. Độc quyền về đào tạo nhân viên y tế, độc quyền về giám sát đánh giá chất lượng, độc quyền về ra chính sách, văn bản pháp luật, giải quyết khiếu kiện… Chính vì vậy, đến nay vẫn không thực sự tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa hệ thống y tế công - tư nhằm thúc đẩy chất lượng dịch vụ và hạ thấp chi phí.
TS Tuấn nhấn mạnh: “Lâu nay, chúng ta nói y tế đa thành phần, y tế tư nhân vẫn được thừa nhận nhưng sự tồn tại này luôn phải “gắn chặt” với nguồn nhân lực của y tế công. Trong khi đó, cơ sở y tế công/đào tạo công bên cạnh nguồn tài chính công, lại đang được tiếp sức bởi sự vận hành dịch vụ “ba lợi ích”, đó là “dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu”, một biến tướng của y tế công nhưng vận hành theo cơ chế tư nhân. Do vậy, đã một phần tư thế kỷ chuyển sang nền kinh tế đa thành phần, bộ mặt của y tế tư nhân tại Việt Nam vẫn chỉ là cái “đuôi” thêm ra bên cạnh sự phình to của các cơ sở y tế công”.
Đi sâu phân tích những tồn tại trên tạo ra môi trường dung dưỡng “phong bì” khi người dân sử dụng dịch vụ y tế công, TS. Tuấn cho biết: “ Sự độc quyền trong phân tích ở trên, thực chất là hệ quả của lối làm việc “duy ý chí” trong thiết lập chính sách và quản lý hệ thống. Sự “duy ý chí” ở đây chính là sự thiếu hỗ trợ, không quan tâm đúng đến vai trò của nghiên cứu khoa học trong suốt tiến trình từ phân tích thực trạng, đến thiết kế đưa ra quyết sách và áp dụng vào thực tế.
Đơn cử, “phong trào “nói không với phong bì trong y tế” có thể xem là một biểu hiện cụ thể về lối làm việc duy ý chí nói trên. Thực tế, bản chất của hiện tượng “phong bì” không nằm ở việc thiếu hình thức giám sát, phát hiện xử phạt thật nặng. Nó nằm ở sâu trong lối làm việc áp đặt hệ thống lương và phụ cấp cho nhân viên y tế, ở việc cất nhắc cán bộ vào vị trí vận hành bộ máy, ở cung cách một chiều đặt ra thủ tục hành chính gây khó khăn cho người dân trong thanh toán khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế, ở tính hệ thống thiếu một cơ chế đánh giá giám sát chất lượng độc lập, ở sự thiếu tôn trọng quyền bệnh nhân trong thông tin y tế và giải quyết khiếu kiện… Do đó, ngay cả khi nạn “phong bì” chấm dứt thì rất có thể người dân sẽ tiếp tục phải bỏ tiền túi ra dưới hình thức khác nhằm đảm bảo thu nhập cho người thầy thuốc và cho chính cơ sở y tế công: Giá dịch vụ y tế chính thức sẽ tăng trong thời gian tới và còn tiếp tục tăng nữa, phí bảo hiểm y tế lại sẽ tăng, sự lạm dụng dịch vụ y tế tiếp tục tăng, ngân sách nhà nước cho y tế cũng lại tiếp tục tăng và đổ kinh phí vào hệ điều trị. Trong khi, cơ sở y tế tư nhân cũng tiếp tục mở ra… Và hệ thống y tế công cũng như y đức của người thầy thuốc dưới con mắt người dân vẫn tiếp tục như ngày hôm nay.
Để giúp người thầy thuốc “vừa hồng lại vừa chuyên” trong nền kinh tế thị trường, TS Tuấn cho rằng: “Cần phải cấu trúc lại hệ thống y tế theo 3 khu vực: Y tế tư nhân, y tế công lập và y tế nhân đạo, đồng thời thành lập bộ phận giám sát chất lượng y tế độc lập để nâng cao minh bạch trong khám chữa bệnh. Theo đó, y tế tư nhân sẽ tự định hướng tập trung cho khu vực xét nghiệm, điều trị, giá dịch vụ và chất lượng y tế tư được kiểm soát bởi chính thị trường khi hệ thống giám sát chất lượng độc lập đi vào hoạt động; y tế công lập tập trung cho dự phòng và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nhắm vào mục tiêu công bằng và hiệu quả. Còn lại là y tế nhân đạo, tập trung phối hợp với hệ thống y tế công tạo dịch vụ giúp đỡ người yếu thế, chủ yếu chăm sóc sức khỏe ban đầu. Có như thế, gánh nặng y tế mởi giảm trên vai y tế công, và ngân sách nhà nước mới có khả năng đầu tư thích đáng đảm bảo điều kiện làm việc cho nhân viên y tế công. Đi liền với việc cấu trúc lại nền y tế cần đổi mới cơ chế vận hành bảo hiểm y tế theo hướng hạch toán kinh doanh phi lợi nhuận, đẩy mạnh lộ trình thực hiện BHYT toàn dân và kinh phí công đầu tư cho y tế dự phòng”.
“Hiện giờ, các biện pháp giảm quá tải bệnh viện, tổ chức cuộc thi ứng xử này hay phát động phong trào nói không với phong bì… cũng rất cần thiết nhưng mới chỉ chạm đến phần ngọn của vấn đề. Chỉ khi nào chúng ta giải quyết được gốc gác của mọi vấn đề như nêu trên thì mới có thể nói đến chuyện nâng cao y đức, khiến người dân luôn trân trọng, coi “Thầy thuốc như mẹ hiền”, TS Tuấn nhấn mạnh.
Phương Liên