Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng, 2 dự thảo này do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh soạn thảo. Hội nghị được tổ chức là cơ sở để HĐND và UBND tỉnh thực hiện các bước ban hành. Đây là căn cứ pháp lý để tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn và bồi thường, hỗ trợ tái định cư trường hợp Nhà nước thu hồi đất, khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024.
Ông Nguyễn Trung Hoàng yêu cầu, đơn vị soạn thảo tiếp thu, ghi nhận các ý kiến của đại biểu, nghiên cứu, xem xét điều chỉnh hoặc bảo lưu phù hợp.
Dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số gồm các nội dung cơ bản: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, chính sách hỗ trợ, trách nhiệm và điều khoản thi hành. Theo đó, cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh hoặc cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn, thường trú tại địa phương từ 5 năm trở lên sẽ được hỗ trợ đất đai cụ thể theo quy định.
Đối với Dự thảo Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh gồm 3 chương, 22 điều, quy định chi tiết các nội dung liên quan; những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khác với quy định này.
Tại Hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất với 2 dự thảo; đồng thời yêu cầu, đơn vị soạn thảo chú trọng tính khả thi, tránh trùng lắp, chồng chéo so với các chính sách trước đó. Đại biểu mong muốn, đơn vị soạn thảo chú trọng quyền lợi của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, đảm bảo cao nhất có thể; hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhân dân trong công tác bồi hoàn, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước giải phóng mặt bằng...
Với Dự thảo Quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh, nhiều đại biểu yêu cầu, nâng mức hỗ trợ ở nhiều nội dung bồi thường để tăng quyền lợi cho người dân.
Cụ thể, tại Điều 5, Chương II của Quy định này về “Khoản tiền tính bằng tỷ lệ phần trăm theo giá trị hiện có của nhà, công trình xây dựng được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 Nghị định 88/2024/NĐ-CP, ngày 15/7/2024 bằng 20% giá trị hiện có của nhà, công trình xây dựng nhưng mức bồi hoàn không quá 100% giá trị xây dựng nhà mới của nhà, công trình xây dựng có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương với nhà, công trình xây dựng bị thiệt hại”, nhiều đại biểu đề xuất, đơn vị soạn thảo nâng mức bồi hoàn từ 20% lên 50 - 60%.
Tại điểm b, khoản 2, Điều 1 của Dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số là “Cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; có thường trú tại địa phương từ 5 năm trở lên được Ủy ban nhân dân cấp xã (nơi thường trú) xác nhận tại thời điểm điều tra xác định cá nhân được hưởng chính sách”.
Ông Hoàng Thanh Tâm, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về kinh tế, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh đề nghị, xem xét phạm vi vùng đồng bào dân tộc thiểu số là cấp xã hay cấp huyện, thời gian thường trú tại địa phương 5 năm trở lên có phù hợp không.
Trà Vinh có tổng dân số trên 1 triệu người; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 32,2%. Toàn tỉnh hiện còn 3.416 hộ nghèo, gần 6.800 hộ cận nghèo (chiếm tương ứng 1,19% và 2,35% tổng số hộ toàn tỉnh); trong đó có 1.827 hộ nghèo Khmer và gần 3.000 hộ cận nghèo Khmer.
Ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh cho rằng, chính sách hỗ trợ về đất đai được ban hành sẽ giúp đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo trong tỉnh có chỗ ở ổn định, an tâm sản xuất để thoát nghèo; đồng thời, giải quyết được vướng mắc về chế độ miễn, giảm tiền sử dụng đất, quỹ đất, kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua.