Đặc biệt, chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa bão, chủ động lên phương án cứu nạn, cứu hộ giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, huyện thị chấn chỉnh tư tưởng chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống bão số 5 trên địa bàn.
Tỉnh Gia Lai yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm công tác trực ban 24/24 giờ trong thời gian mưa bão, mưa lũ ảnh hưởng trên địa bàn để thông tin tham mưu, đề xuất kịp thời. Các đơn vị chủ hồ chứa theo dõi kỹ mực nước hồ, chủ động đảm bảo an toàn hồ chứa, nhất là các hồ đập xung yếu, đang thi công, sửa chữa; rà soát các phương án ứng phó với thiên tai để thực hiện tốt theo phương châm “4 tại chỗ”.
Các huyện, thị xã sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu nạn, ứng phó kịp thời, đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng thời, tổ chức kiểm soát, phân luồng giao thông, nhất là qua các khu ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết khi có mưa lớn.
Kiên quyết không cho người và phương tiện di chuyển tại các khu vực nguy hiểm. Ngoài ra, tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu các địa phương chủ động nắm diễn biến thời tiết để cho học sinh nghỉ học nhằm đảm bảo an toàn, tránh xảy ra thiệt hại đáng tiếc.
Trước tình hình ảnh hưởng của cơn bão số 5, ông Trương Phước Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, huyện Kbang và thị xã An Khê có mưa nhỏ từ 15 giờ ngày 30/10. Hồ An Khê Ka Nat chưa thấy mực nước dâng.
Một số huyện như Ia Pa, Krông Pa và thị xã A Yun Pa có mưa rải rác. Lãnh đạo UBND huyện, thị, thành phố và Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại các địa phương đã lên phương án sẵn sàng ứng phó với ảnh hưởng của cơn bão số 5.