Chia sẻ khó khăn với người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn, ngoài các chính sách hỗ trợ của Trung ương, UBND tỉnh Gia Lai còn thể hiện sự quan tâm, giúp đỡ các đối tượng này bằng những phương án thiết thực, nhân văn.
Theo bà Rơ Com Sa Duyên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác chi trả tiền hỗ trợ cho người dân khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, các địa phương cần phải tiến hành rà soát, thẩm định kỹ hoàn cảnh của từng người dân để chính sách hỗ trợ của nhà nước đến đúng người, đúng đối tượng.
Theo đó, về Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tính đến ngày 9/9, tỉnh Gia Lai đã chi trả các khoản tiền ăn cho F0, tiền ăn cho F1, hỗ trợ thêm cho trẻ em F0, F1 đối với trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế với số tiền hơn 17,6 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã chi trả kinh phí hỗ trợ cho 33 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (trong đó hỗ trợ bổ sung cho 2 lao động mang thai và 9 trẻ em) với số tiền hơn 133 triệu đồng.
Đối với chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh gặp khó khăn trong tình hình dịch bệnh, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho 570 hộ kinh doanh, với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng. Trong đó, các địa phương đã chi trả kinh phí hỗ trợ cho 465 hộ kinh doanh với số tiền gần 1,4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai còn ban hành Quyết định số 441/QĐ-UBND về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động nhằm chia sẻ phần nào khó khăn đối với người dân. Theo đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt và kinh phí hỗ trợ cho 4.811 lao động không có giao kết hợp đồng lao động với số tiền hơn 7,2 tỷ đồng. Tính lũy kế đến ngày 9/9, các địa phương đã chi trả kinh phí hỗ trợ cho 3.776 lao động với số tiền hơn 5,6 tỷ đồng.
Bà Trần Thị Hòa, Tổ 5, phường Diên Hồng, thành phố Pleiku cho hay, bà là người mua bán vỉa hè, do dịch COVID-19 nên không được phép buôn bán nữa, khiến gia đình gặp nhiều khó khăn. Khi nhận được hỗ trợ 1,5 triệu đồng của nhà nước, bà cũng rất cảm kích vì nhà nước luôn quan tâm, lo lắng đến đời sống người dân khó khăn.
Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Gia Lai, trên địa bàn tỉnh có 4.527 công ty, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, trong đó 159 doanh nghiệp vận tải; 14 doanh nghiệp hoạt động du lịch; 72 doanh nghiệp hoạt động lưu trú (khách sạn) và 6 doanh nghiệp làm dịch vụ cung ứng lao động đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Hiện nay qua phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội, trên địa bàn tỉnh chỉ có hơn 2.000 người sử dụng lao động có tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, chiếm 45,46% số người sử dụng lao động trên địa bàn. Tính đến ngày 31/8/2021, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội đã cho vay 43 lượt người sử dụng lao động, số tiền gần 3 tỷ đồng, trả lương ngừng việc cho 904 lượt lao động.
Ông Lê Văn Chí, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách tỉnh Gia Lai cho biết, trên địa bàn tỉnh chủ yếu các công ty, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, hầu hết số lao động làm việc thời vụ, ít lao động tham gia đóng Bảo hiểm xã hội nên các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng không được tiếp cận gói vay này do người lao không tham gia bảo hiểm xã hội. Trong thời gian tới, Chi nhánh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các địa phương quyết liệt chỉ đạo, triển khai chính sách hỗ trợ người lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất với tinh thần bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người sử dụng lao động tiếp cận vốn một cách nhanh nhất, sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Không chỉ hỗ trợ người dân đang sinh sống trên địa bàn, UBND tỉnh Gia Lai, cũng đang hỗ trợ người dân Gia Lai đang kẹt ở vùng dịch tại một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương nhằm chia sẻ khó khăn khi chưa thể đón bà con về. Theo đó, mỗi người dân Gia Lai đang kẹt tại vùng dịch gặp khó khăn sẽ được tỉnh hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Số tiền này được chi trả qua gia đình tại Gia Lai hoặc chuyển khoản trực tiếp. Hiện đã có 684 người được phê duyệt để tỉnh hỗ trợ. Trước đó, theo kế hoạch, tỉnh Gia Lai sẽ đón khoảng 1.000 công dân Gia Lai từ vùng dịch về địa phương. Tuy nhiên đến nay mới chỉ đón đợt 1 bằng đường hàng không với 192 công dân.
Ngoài chính sách hỗ trợ từ Trung ương và của UBND tỉnh Gia Lai còn có sự chung tay góp sức của rất nhiều tổ chức, cá nhân, "mạnh thường quân" trong công tác thiện nguyện. Mỗi ngày, trên 17 huyện, thị xã, thành phố của Gia Lai có hàng trăm chuyến hàng từ thiện đến với người dân trong các khu cách ly và các địa phương thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg với tinh thần san sẻ yêu thương, hỗ trợ nhau vượt qua đại dịch.