Gia đình – 'lá chắn' bảo vệ trẻ thời công nghệ

Trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ trẻ em, gia đình luôn giữ vai trò hàng đầu và là yếu tố quyết định.

Chú thích ảnh
Trẻ em tập chơi bóng rổ tại Nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh Hải Dương hè 2018. Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN

Cha mẹ và những thành viên trong gia đình là những người gần gũi nhất, có ảnh hưởng chủ đạo trong việc hình thành nhân cách của trẻ em, cũng là những chiếc "lá chắn" bảo vệ trẻ tránh xa những nguy cơ đe dọa sức khỏe, thể chất và tinh thần, cho trẻ em một cuộc sống an toàn, lành mạnh.

 

Mối nguy thời công nghệ

 

Hàng năm mỗi dịp hè về, cùng với niềm vui được vui chơi thỏa thích của trẻ, là sự lo lắng của người lớn về việc làm sao để bảo đảm sự phát triển lành mạnh của trẻ em. Dịp nghỉ hè là cao điểm xảy ra các vụ việc, các tai nạn thương tâm như trẻ bị đuối nước, tai nạn giao thông, tai nạn thương tích do leo trèo, do nghịch điện… khi trẻ thiếu sự quan tâm, bảo vệ của người lớn. Đặc biệt trong những năm gần đây, nhiều vụ xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em bị phát hiện gây chấn động xã hội để lại những nỗi đau và tác hại lâu dài cho tâm lý và thể trạng của trẻ em mà thủ phạm vừa có thể là người lạ, mà cũng có thể là người quen, thậm chí là người thân của các em.

 

 Xã hội ngày càng phát triển, những tiện nghi thuận lợi đan xen với nguy cơ khi người lớn bộn bề với công việc mưu sinh, ít thời gian dành cho con trẻ mà các em lại có điều kiện tiếp cận với những thông tin giải trí rất dễ dàng mà trong đó tiềm ẩn cả những thông tin chưa được chọn lọc, phản văn hóa, gây mất an toàn cho trẻ em.

 

Điển hình nhất là trong thời gian gần đây, vấn nạn xâm hại tình dục đối với trẻ em trên môi trường mạng đang ngày càng gia tăng một cách nghiêm trọng tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Mặc dù đã có nhiều vụ án được phanh phui nhưng ước tính những vụ án được trình báo tới cơ quan Công an điều tra chỉ là con số rất nhỏ so với tổng số vụ diễn ra trên thực tế.

 

Xâm hại có thể được phân loại thành xâm hại thể chất và phi thể chất. Hầu hết các trường hợp xâm hại bắt nguồn trên môi trường mạng bắt đầu bằng hình thức xâm hại phi thể chất rồi mới dẫn tới khống chế và đe dọa, rồi dần dần dẫn đến xâm hại thể chất. Một ví dụ của hành vi xâm hại phi thể chất đó là xúi giục trẻ tạo dáng trước máy quay để trò chuyện bằng hình ảnh. Đôi khi hành vi này còn đi xa hơn nữa, đó là kẻ xấu ép buộc trẻ có hành động xâm hại tới chính cơ thể mình trước máy quay để kẻ xâm hại xem. Để phân biệt với hiếp dâm thực tế, hành động này được gọi là hiếp dâm ảo.

 

Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em qua internet thường tiếp cận trẻ em qua các trang web khiêu dâm, facebook, cửa sổ chat… khi các em chơi game. Với thủ đoạn này, tội phạm không cần lộ diện, không mất nhiều công sức nhưng mức độ truyền bá hình ảnh đồi trụy rất nhanh. Trẻ em chơi game không được kiểm soát, dễ dàng bị lôi kéo vào các nội dung khiêu dâm, đồi trụy. Trẻ dùng mạng xã hội như một kênh giao tiếp, trao đổi thông tin, nhưng lại chưa ý thức được những rủi ro dẫn đến nguy cơ bị xâm hại tình dục.

 

Bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) cho biết, theo nghiên cứu của trung tâm, kỹ năng số của trẻ em Việt Nam, đặc biệt là về vấn đề xử lý hành vi khá thấp. hầu hết trẻ em tự học sử dụng công nghệ. Chúng ta vẫn nói là mạng ảo nhưng thực tế nó không hề ảo chút nào, những rủi ro là có thật, những hành vi tương tác, tổn hại đến thể chất và tinh thần của trẻ em rất thật. Chúng ta không thể nào kiểm soát được vì cuộc sống, sự an toàn của trẻ bây giờ không còn chỉ nằm sau cánh cửa nhà. Khi trẻ đi ra ngoài, sợ trẻ gặp nguy hiểm xe cộ, bị bắt cóc…ở nhà, sợ trẻ dán mắt vào tivi, vi tính, lên mạng xem những thứ không phù hợp. Bây giờ chỉ cần một máy tính bảng, trẻ đã có thể tiếp cận rất nhiều vấn đề nguy hiểm khác.

 

Kết hợp nhiều biện pháp quản lý trẻ

 

Các vụ việc về xâm hại trẻ em được phanh phui chính là lời cảnh tỉnh cho các gia đình, nhà trường và toàn xã hội cần phải quan tâm tới môi trường sống của trẻ em. Người lớn cần dạy trẻ kiến thức về giới tính càng sớm, càng tốt. Dạy cho trẻ biết những ai có thể giúp đỡ bé trong việc vệ sinh hàng ngày khi còn nhỏ; giáo dục cho con việc tự bảo vệ bản thân khi lớn… Ở từng độ tuổi của bé cần có một chương trình giáo dục phù hợp. Tuy nhiên, có lẽ phương pháp giáo dục tâm lý ở nhiều trường hiện nay chưa phù hợp nên các con khó hoặc không thể cởi mở, nói chuyện với cha mẹ, ông bà về vấn đề giới tính, vấn đề riêng của trẻ. Cha mẹ nên tin tưởng con, trao cho con quyền được học tập, được tìm hiểu, khám phá internet với những giới hạn nhất định. Cha mẹ có thể đề ra những điều khoản với con. Ví dụ cho con sử dụng internet nhưng phải thống nhất sẽ chia sẻ lại với cha mẹ các trang mạng mà con xem xét; hỏi cha mẹ những thắc mắc; cha mẹ tôn trọng quyền riêng tư của các con.

 

Chị Nguyễn Gia Linh (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, người lớn sẽ không có đủ thời gian để có thể giám sát con cả ngày. Vì vậy, nên kết hợp nhiều biện pháp như: quản lý con về giờ sử dụng mạng; ngồi cạnh giám sát xem con sử dụng mạng vào mục đích gì khi có thể và đặc biệt, cha mẹ nên tìm cách nói chuyện, chia sẻ với con để các con chia sẻ lại mọi chuyện với mình.

 

Thạc sĩ Nguyễn Văn Thanh, giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng, vào dịp hè, cha mẹ nên cho con tham gia các lớp học năng khiếu, kỹ năng, hoặc tham gia bất kỳ hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm nào để làm giảm thời gian trống của trẻ, tăng thêm kỹ năng kiến thức cho con. Để kiểm soát trẻ sử dụng mạng, cha mẹ không nên cấm trẻ vì càng cấm càng khiến trẻ tò mò, tìm mọi cách khám phá. Người lớn có thể tắt các thiết bị phát wifi khi ra khỏi nhà, không cho trẻ sử dụng điện thoại thông minh sớm…

 

Đã đến lúc việc giáo dục cho trẻ em những kỹ năng biết tự bảo vệ mình trên môi trường mạng cũng cần thiết như những kỹ năng trong cuộc sống hàng ngày. Để làm được điều này cần sự phối hợp và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý về công nghệ thông tin, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kỹ thuật số, nhà trường và mỗi gia đình.

 

Minh Huệ (TTXVN)
 Để trẻ em an toàn khi tham gia mạng - Bài cuối: Đồng hành với trẻ em trong môi trường mạng
Để trẻ em an toàn khi tham gia mạng - Bài cuối: Đồng hành với trẻ em trong môi trường mạng

Bên cạnh những hoạch định về truyền thông kiến thức thì việc đồng hành với trẻ em khi tham gia môi trường mạng internet, mạng xã hội là rất quan trọng. Nhưng việc đồng hành đó cần phải được trang bị kiến thức về cách bảo vệ trẻ trong môi trường mạng. Nếu không sẽ phản tác dụng và để lại những hậu hoạ dài phía sau đối với trẻ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN