Trả lời phỏng vấn báo Tin tức, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân, ông Chu Văn Phương khẳng định: Từ năm 2017, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận chủ trương đầu tư phát triển mạng lưới phân phối nước sạch. Tuy nhiên, đến nay, tại xã Thanh Xuân, người dân vẫn phải sử dụng nước giếng khoan, giếng khơi, hoặc tích trữ nước mưa. Mùa khô, nước giếng khơi cạn, nhiều nhà phải bơm nước từ sông Cà Lồ vào vườn để nước thẩm thấu qua đất, chảy vào giếng khơi, hoặc mua bình nước tinh khiết để sử dụng.
Ông Chu Văn Phương cho biết, nước sông Cà Lồ hiện nay cũng đang bị ô nhiễm bởi nhiều khu công nghiệp đã mọc lên hai bên bờ và xả thải ra sông.
Xã Thanh Xuân hiện có 10 thôn với 3.352 hộ (gần 15.000 nhân khẩu), trong đó 2/3 số hộ dân đang khó khăn vì nước sạch, nhất là trong 3 tháng mùa khô. Một số thôn thiếu nước sạch nghiêm trọng như thôn Đồi Cốc, thôn Kim Anh, thôn Thanh Nhàn…
Video ông Chu Văn Phương, PCT UBND xã Thanh Xuân, trả lời phỏng vấn báo Tin tức về tình hình nước sạch trên địa bàn:
Dự án “Phát triển mạng lưới phân phối nước sạch cho các xã thuộc huyện Sóc Sơn (18 xã), Đông Anh (9 xã), Gia Lâm (5 xã) do liên danh Công ty Cổ phần Nước Aqua One và Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống (nay là Công ty TNHH hai thành viên Phân phối nước sạch huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm) thực hiện. Đến tháng 10/2019, UBND thành phố phê duyệt hơn 19 tỷ đồng cấp bù giá nước sinh hoạt năm 2018 cho nhân dân các xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ (Sóc Sơn) để phục vụ nhân dân trong vùng ảnh hưởng dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn huyện Sóc Sơn. Số tiền cấp bù là 19.045.576.000 đồng, từ nguồn chi trợ giá nước sạch.
Với những giải pháp thiết thực như vậy, những tưởng người dân huyện Sóc Sơn nói chung và xã Thanh Xuân nói riêng sẽ được hưởng nước sạch, bảo đảm cho cuộc sống. Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của Phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch trên địa bàn huyện đạt thấp, chỉ khoảng 20%. Chủ đầu tư vẫn gửi báo cáo tiến độ hàng tháng, nhưng tiến độ thi công công trình lại chậm so với thực tế.
Trao đổi với báo Tin tức về vấn đề này, Trưởng phòng Quản lý đô thị UBND huyện Sóc Sơn, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết: Chính quyền huyện đã nhiều lần ban hành các loại văn bản đốc thúc chủ đầu tư thực dự án cấp nước sạch, nhưng đến nay vẫn chưa có đường ống nào được lắp đặt tại 18 xã thuộc huyện Sóc Sơn.
“Cuối tháng 7/2020, chúng tôi sẽ khảo sát độc lập (không liên quan đến nhà đầu tư) về nhu cầu sử dụng nước sạch. Thực tế, số người dân chưa được cấp nước sạch trên địa bàn huyện rất lớn. Năng lực của chủ đầu tư cũng cần dược khảo sát, đánh giá lại. Thậm chí có thể có giải pháp tăng thêm nhà đầu tư đủ năng lực để triển khai dự án”, ông Thắng cho hay.
Theo tìm hiểu của phóng viên, để có nước sinh hoạt, các hộ dân tại xã Thanh Xuân đã sử dụng nhiều hệ thống giếng khoan để hút mạch nước ngầm tại sân bóng thôn Thanh Nhàn, vì đây là một trong số ít điểm có nước ngọt. Những giếng khoan này nằm sát nhau dọc sân bóng, ngày đêm tận lực hút nước.
Chị Tạ Thị Tươi (sinh năm 1982, trú tại thôn Thanh Nhàn) thừa nhận: 38 năm nay, chị chưa một lần được dùng nước máy. Thực tế tại đây, đôi khi nước giếng khoan cũng không đủ.
“Chỉ tại khu vực sân bóng này mới có thể khoan giếng để lấy nước. Do vậy, có hộ cách nửa cây số cũng phải dòng dây điện, bắt đường ống, rất mất công và tốn kém”, chị Tươi chia sẻ.
Cũng theo chị Tươi, dù vất vả tìm nước như vậy nhưng dân cũng không có nước sạch để dùng. Thậm chí tại thôn chợ Nga, Kim Anh… (xã Thanh Xuân) còn xảy ra tình trạng thiếu nước trầm trọng, phải đi mua nước từ những vùng xung quanh để sử dụng.
Ông Nguyễn Văn Cường (trú tại thôn Thanh Nhàn, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, hàng chục năm nay, gia đình ông gồm 6 người thường xuyên phải sử dụng nước giếng khoan. Nhận thấy nguồn nước không đảm bảo, ông đã phải lọc nước nhiều lần bằng máy lọc inox, sau đó lại lọc tiếp qua một hệ thống lọc RO. Dù đã qua nhiều lần lọc trước đó nhưng cũng chỉ được 10 ngày là lõi lọc RO rơi vào tình trạng ố màu, nhiều cặn đen nên phải thay mới.
“Lọc nước giếng khoan không ăn thua dù tôi đầu tư số tiền không nhỏ vào hệ thống lọc. Chỉ vài ngày là nước đóng cặn, mảng bám phủ kín nắp ống. Thậm chí cả vỏ cột lọc inox cũng rỉ sét, bám phèn”, ông Cường phải ánh.
Video phản ánh của người dân đến báo Tin tức về thực trạng nguồn nước tại xã Thanh Xuân:
Điều đáng báo động là huyện Sóc Sơn có 26 xã thì vẫn còn 18 xã đến nay chưa có nước sạch từ nguồn nước tập trung. Ước tính có 200.000 nhân khẩu, tương đương khoảng 80% số dân của huyện chưa được dùng nước sạch.