Chia sẻ mạng sống
Ca ghép gan được thực hiện ngày 15/4, tại Bệnh viện Vinmec Hà Nội. Người cho gan là anh Hoàng Trung Kiên, 42 tuổi và người nhận là anh Mai Văn Tuân, 46 tuổi. Anh Hoàng Trung Kiên chính là em rể của anh Mai Văn Tuân.
Anh Hoàng Trung Kiên – người hiến tặng gan cho anh vợ |
Là lao động trụ cột trong một gia đình làm nông nghiệp tại làng quê Gia Lộc, Hải Dương, anh Kiên đã có một quyết định rất ít người dám làm: Hiến một phần thân thể cho người anh vợ.
“Ban đầu không phải tôi là người được chọn hiến gan cho anh Tuân mà là vợ tôi, nhưng cô ấy bị viêm gan B. Một người em gái khác có các chỉ số tương đối hòa hợp, nhưng gia đình chồng cô ấy sau đó không đồng ý. Anh Tuân thì e ngại nếu được ghép gan mà gia đình em gái lại trục trặc thì không được, nên đã từ chối. Lúc đó, chỉ còn một tuần nữa là đến lịch ghép gan, tôi nói với anh ấy để tôi đi xét nghiệm, nếu được, tôi sẽ hiến gan cho anh ấy”- anh Kiên chia sẻ.
Thật diệu kỳ là các chỉ số sinh hóa của người em rể lại hòa hợp với người anh vợ, nhưng e ngại người mẹ già của mình không đồng ý, anh Kiên đã gọi điện cho người anh ruột đang sống ở TP Hồ Chí Minh để nhờ tư vấn.
“Tôi tin anh ấy vì anh ấy học cao, chắc chắn sẽ hiểu chuyện. Anh ấy tìm hiểu và gọi cho mẹ tôi, rồi gia đình tổ chức cuộc họp. Cuối cùng mọi người đều khuyến khích tôi làm một việc nghĩa tình là tặng gan cho anh trai của vợ. Lúc ấy tôi đã tìm hiểu, cũng biết được sau này sức khỏe mình sẽ không được như trước, nhưng tôi luôn lo không có người hiến gan thì anh Tuân sẽ chết mất, nên tôi tình nguyện”, anh Kiên tâm sự.
Cần nhiều quyết định dũng cảm
Theo GS-TS Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec (Hà Nội), đây là một ca bệnh khó. Anh Tuân bị viêm gan B tiến triển thành ung thư gan từ 2013, đã được mổ cắt gan trái và 2/3 dạ dày năm 2014, đến tháng 3/2017, bệnh nhân được phát hiện ung thư tái phát ở gan phải.
Nhóm phẫu thuật ghép gan đã lấy 60% gan của người cho, tương đương thể tích 700 cm3 và ghép thành công cho người nhận. |
Để có quyết định hiến tặng gan từ người cho còn sống, theo GS-TS Phú cũng là không dễ dàng. Tính từ năm 2004 đến nay, mới có 20 ca ghép gan tại Việt Nam mà nguồn gan hiến tặng từ người cho còn sống, trong khi số người chờ được ghép rất lớn và đang gia tăng nhanh chóng. Ước tính có khoảng 1.500 người đang chờ ghép gan.
Bệnh nhân Mai Văn Tuân đã bắt đầu thích ứng với lá gan mới. |
Nhóm phẫu thuật ghép gan là các bác sỹ Vinmec và chuyên gia Hàn Quốc, do GS Chong Woo Chu chủ trì, đã lấy 60% gan của người cho, tương đương thể tích 700 cm3 và ghép thành công cho người nhận. Hai tuần sau ngày phẫu thuật, các chức năng gan của người cho đã thích ứng, men gan giảm, chức năng bài tiết mật được cải thiện dần. Người nhận gan ghép cũng ổn định sức khỏe, bắt đầu đi lại và phục hồi vận động, các chỉ số sinh tồn cơ thể đang trở về với giới hạn cho phép.
Giáo sư Chong Woo Chu là một trong những tên tuổi đầu ngành trên thế giới trong lĩnh vực cấy ghép tạng với 16 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cấy ghép tạng và đã thực hiện thành công 370 ca ghép gan trong vòng 7 năm. Trước khi cộng tác với Vinmec, GS Chu là giám đốc Trung tâm ghép tạng kiêm giáo sư cấy ghép tạng tại Bệnh viện Yangsan (ĐH Quốc gia Pusan, Hàn Quốc) |
Theo ông Phú, bệnh viện đang đi những bước vững vàng để phát triển Trung tâm ghép các tạng của Vinmec trở thành Trung tâm có đẳng cấp quốc tế. Trong tháng 6 tới đây, Vinmec sẽ thực hiện tiếp hai ca ghép gan. Dự kiến cuối 2017 hoặc đầu 2018, bệnh viện sẽ thực hiện ghép tụy, bên cạnh ghép thận đã trở thành thường quy, tiến tới đề nghị Bộ Y tế thẩm định và cho phép Vinmec tiến hành ghép tim và phổi.
Bên cạnh phát triển kỹ thuật, điều ông Phú và các đồng nghiệp tâm niệm nhất là ý nghĩa bảo vệ cuộc sống của mỗi con người của nghề y. Trước đó, tháng 4 vừa qua Bệnh viện Vinmec đã phối hợp với Bệnh viện Việt Đức thực hiện thành công ca ghép gan được cho là phức tạp nhất từ trước đến nay, cho bệnh nhân suy gan cấp Dương Thị Phương Mai. Hơn 1 tháng sau ghép, Mai đã chuẩn bị trở về quê nhà, ít ai biết được rằng hơn một tháng trước Mai đã hôn mê, bệnh viện đã ký cho bệnh nhân ra về mà không can thiệp được gì. Nhưng nhờ điều kỳ diệu từ y học và những tấm lòng thiện nhân, em đã được tái sinh ở tuổi 15…