Đồng bằng, trung du Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh tiếp tục có mưa

Trong chiều 13/6, dự báo ở đồng bằng, trung du Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông với tổng lượng mưa phổ biến 15-30 mm, có nơi trên 50 mm.

Chú thích ảnh
Dự báo hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới trên đất liền. Nguồn: KTVN

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trưa 13/6, do ảnh hưởng của bão số 2, ở huyện đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; đảo Hòn Ngư có gió giật cấp 9; đảo Hòn Dấu có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; trên đất liền ven biển ở Văn Lý (Nam Định) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, thành phố Thái Bình có gió mạnh cấp 6, giật cấp 10; Ninh Bình, Nghệ An có gió giật cấp 7-8. Ở khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình đã có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa lúc 10 giờ ngày 13/6 phổ biến 120-280 mm, có nơi trên 300 mm.

Hồi 10 giờ ngày 13/6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 104,9 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam - Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 - 50 km/giờ), giật cấp 7. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 khoảng 30 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo đến 16 giờ ngày 13/6, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 - 20 km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 104,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Thượng Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ). Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Trong chiều 13/6, ở đồng bằng, trung du Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông với tổng lượng mưa phổ biến 15-30 mm, có nơi trên 50 mm.

Từ chiều 13/6 đến sáng 14/6 ở phía Tây Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi  mưa rất to với tổng lượng mưa 50-70 mm, có nơi trên 100 mm.   

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xảy ra; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến; quản lý chặt chẽ phương tiện ra khơi, tùy theo diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động cấm biển.

Văn phòng cần phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn các tàu vận tải, tàu cá neo đậu vào bờ đảm bảo an toàn, tránh tình trạng chủ quan trong việc quản lý, neo đậu của tàu thuyền.

Các cơ quan chức năng địa phương lưu ý và chỉ đạo kịp thời các công việc để đảm bảo an toàn cho du khách trên các đảo, an toàn tại các lồng bè, chòi canh thủy hải sản, các công trình đê điều đang thi công; rà soát, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp...

Các chuyên gia khuyến cáo ngư dân và các thuyền viên: Cần thường xuyên theo dõi tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin, hệ thống tín hiệu báo bão, đồng thời chú ý quan sát bầu trời và mặt biển để nhận biết thời tiết. Khi nhận được tin bão, áp thấp nhiệt đới thì tùy thuộc vào vị trí của tàu, thuyền đang hoạt động, vị trí cường độ hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới mà kịp thời cho tàu, thuyền vào bờ hoặc tránh xa vùng ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới; cần điều khiển tàu, thuyền tránh xa vùng bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng đi tới.

Nếu tàu, thuyền đang nằm ở phía bên phải hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới thì phải cho tàu thuyền chạy ngược gió, gió thổi lệch mũi trước mạn phải, góc lệch lớn hay nhỏ tùy thộc vào sức đẩy của tàu thuyền, tức là chạy về hướng Bắc - Đông Bắc. Nếu tàu, thuyền đang nằm ở phía bên trái hoặc ở ngay trên đường bão, áp thấp nhiệt đới đang di chuyển tới thì cho tàu, thuyền chạy xuôi gió, gió thổi vào đuôi tàu thuyền từ mạn phải, tức là chạy về hướng Nam - Tây Nam.

Các thuyền viên chú ý, khi điều khiển tàu, thuyền tránh bão, áp thấp nhiệt đới trên biển phải luôn luôn giữ cho tàu, thuyền cách tâm bão, áp thấp nhiệt đới một khoảng tối thiểu từ 350 đến 400 km - khoảng 200 hải lý.

Diệu Thúy (TTXVN)
Vùng áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 2 đã vào Thanh Hóa, gây mưa lớn
Vùng áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 2 đã vào Thanh Hóa, gây mưa lớn

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 9 giờ sáng ngày 13/6, bão đã vào đất liền, gây mưa lớn ở miền Bắc và từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN