Địa hình thấp so với mực nước biển lại nằm ở hạ lưu sông Mê Kông, tiếp giáp với biển nên đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Theo dự báo của các tổ chức quốc tế và các nhà khoa học, toàn vùng ĐBSCL thời gian tới sẽ chịu tác động tiêu cực của hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Bài 1: Hiển hiện nguy cơ
Những năm gần đây, các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL liên tục đối mặt với tình trạng nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng trong mùa khô và nước ngập do triều cường vào mùa mưa, trong đó nguyên nhân chính là do tác động của BĐKH.ĐBSCL được cho là vùng tạo ra 40% GDP về nông nghiệp của Việt Nam. So với cả nước, sản lượng lương thực của vùng chiếm 50%, thủy sản chiếm 70%. Thế nhưng, ĐBSCL lại được xem là vùng sẽ phải gánh chịu tác động của BĐKH nhiều nhất và những tác động này sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến an ninh lương thực.
Sạt lở tại khu vực bờ biển Vĩnh Hải - Vĩnh Châu, Sóc Trăng. |
Theo các chuyên gia dự báo về mức độ ảnh hưởng của BĐKH trong tương lai, nếu nhiệt độ tăng lên 1 độ C sẽ làm giảm 10% năng suất lúa, giảm 5 - 20% năng suất các loại cây họ đậu. Còn nếu nước biển dâng cao thêm 1 m thì sẽ có 70% diện tích lúa ở ĐBSCL bị nhiễm mặn, tức là sẽ mất đi khoảng 1,5 - 2 triệu ha đất trồng lúa và nhiều địa phương sẽ bị chìm trong nước biển. Bên cạnh đó, thời tiết thay đổi thất thường, hạn hán làm tăng áp lực dịch hại trên cây trồng; mật số sâu bệnh tăng cao, thậm chí có thể phát sinh một số loại sâu bệnh mới gây hại trong sản xuất cũng như trong quá trình bảo quản, sơ chế. Các tỉnh ven biển như: Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… là những tỉnh chịu tác động lớn nhất của BĐKH.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu, BĐKH đang tác động đến nguồn nước, ngập úng, xâm nhập mặn, hạn hán, chế độ thủy triều… Từ đó, tác động mạnh đến nền kinh tế của khu vực, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp như: năng suất, diện tích, sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi khi không thích ứng kịp thời với những BĐKH; các cơ sở hạ tầng bị phá hủy do sạt lở, lũ lụt, hạn hán… Và cuối cùng là tác động đến đời sống xã hội của con người như kế sinh nhai, sức khỏe, giáo dục… Những tác động này phần nào diễn ra tại Bạc Liêu. Theo ông Lê Minh Quang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, BĐKH đã ảnh hưởng lớn đến ngành nông nghiệp của tỉnh. Cụ thể, trong thời gian qua nước thủy triều dâng cao, cộng thêm nắng nóng gay gắt khiến mực nước ngọt giảm mạnh, diện tích khô hạn đã tăng nhanh dẫn đến mặn thẩm thấu qua các cống đập, xâm nhập sâu vào nội đồng, đe dọa và uy hiếp nhiều diện tích lúa đông xuân của tỉnh.
Đặc biệt từ năm 2011 - 2012, những trận bão ảnh hưởng đến ĐBSCL ngày càng tăng lên, gây thiệt lớn về người và tài sản. |
Sóc Trăng là tỉnh ven biển, lại nằm ở cuối nguồn sông Mê Kông, từ nhiều năm qua, nguồn nước đổ về từ thượng nguồn thấp khiến cho nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền từ 40 - 80 km. Đặc biệt, không chỉ tình trạng mặn xâm nhập sâu mà độ mặn cũng ngày càng cao, đã ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất cây trồng và đời sống sinh hoạt của người dân trong vùng. Minh chứng cho thấy, dù chỉ mới bắt đầu vào mùa khô nhưng độ mặn đã lên 4 - 5%, khiến hơn 800 ha lúa vụ xuân hè năm nay bị chết cháy và nhiều hoa màu khác cũng giảm năng suất đáng kể.
Không chỉ vậy, theo ghi nhận thực tế của phóng viên, do nước dâng, tình trạng sạt lở bờ sông và bờ biển đã và đang gây nhiều thiệt hại lớn cho người dân. “Hiện nay, tình trạng sạt lở diễn ra ở nhiều nơi, nhiều tuyến, nhất là các tuyến cù lao dọc sông Hậu. Đặc biệt, hiện trên tuyến đê biển xã Vĩnh Hải - Vĩnh Châu bị sạt lở dài đến 2 km”, ông Dương Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi và phòng chống lụt bão tỉnh Sóc Trăng, cho biết.
Theo các chuyên gia, việc sạt lở không phải do BĐKH mà là vì chịu ảnh hưởng từ BĐKH. Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển rất nguy hiểm cho người dân địa phương và có những ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân ĐBSCL.
Trong một khía cạnh khác, ông Lê Anh Tuấn, Viện nghiên cứu BĐKH - Đại học Cần Thơ, cho rằng BĐKH đã và đang thể hiện rõ nét nhất là sự gia tăng về nhiệt độ. Theo số liệu ghi nhận tại Cần Thơ, hơn 30 năm qua nhiệt độ đã tăng khoảng 0,5oC. “Trong thời gian tới, số ngày có nhiệt độ cao trên 35oC có thể lên tới 240 ngày/năm. Sự gia tăng nhiệt độ này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng rất lớn cũng như sản xuất nông nghiệp”.
Việc thay đổi nền nhiệt độ, theo ông Tuấn, cũng sẽ dẫn đến thay đổi của chế độ thủy văn và sự thay đổi này sẽ liên kết với những hoạt động không bền vững ở thượng nguồn sông Mê Kông, khiến vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Do chế độ thủy văn thay đổi, mùa khô sẽ bị xâm nhập mặn nhưng ngược lại mùa mưa thì thủy triều lớn hơn. Nếu thủy triều xâm nhập ít vào mùa mưa thì mặn xâm nhập vào cuối năm vẫn có thể xảy ra. Bên cạnh đó, sẽ xuất hiện các hiện tượng cực đoan như là bão lũ, lốc xoáy gia tăng.
Đặc biệt từ năm 2011 - 2012, những trận bão ảnh hưởng đến ĐBSCL ngày càng tăng lên, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Bài và ảnh: Đan Phương
Bài 2: Hạn nặng, mặn xâm nhập sâu