Đồng bằng sông Cửu Long: Bài cuối: Phát triển kinh tế bền vững cho người dân mùa lũ

Nhân rộng nuôi trồng thủy sản


Hàng năm, khi lúa vụ 3 trong đê bao ở các tỉnh ĐBSCL phủ một màu xanh mơn mởn là báo hiệu mùa nước nổi đang về. Lúc này bà con vùng ven sông Tiền, sông Hậu đã chộn rộn với việc nuôi thủy sản nước ngọt trong ao hay ở nơi có chân ruộng sâu. Tận dụng lợi thế có nguồn nước dồi dào và nguồn thức ăn từ cá tạp trôi sông phong phú, rất nhiều mô hình nuôi thủy sản đã hình thành đem lại thu nhập cao cho hàng ngàn hộ dân vùng hạ lưu sông Cửu Long.


 

 



Tận dụng nguồn thức ăn phong phú, phát triển nuôi trồng thủy sản vào mùa lũ đang được người dân và ngành nông nghiệp quan tâm.

Đến tỉnh Đồng Tháp những ngày này, chúng tôi chứng kiến người dân các huyện Tam Nông, Tân Hồng… đang bận rộn với công tác chuẩn bị con giống, gia cố đê bao cho mùa nuôi tôm càng xanh. Chỉ tính riêng huyện Tam Nông, diện tích nuôi tôm càng xanh mùa lũ năm nay dự kiến sẽ đạt khoảng hơn 1.000 ha, tăng gần 30% so với năm 2011. Hiện bà con đã chuẩn bị hơn 110 triệu con giống để thả nuôi khi lũ tràn vào ruộng và theo tính toán, với giá cả hiện nay, kết thúc vụ nuôi tôm cành xanh người nuôi sẽ lãi khoảng 1 tỉ đồng/ha.


Không chỉ nuôi tôm càng xanh, bà con các tỉnh Hậu Giang, An Giang… còn mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi cá rô đồng. Theo tính toán của những nông dân giàu kinh nghiệm, nuôi cá rô đồng trong ao bao hay ruộng lúa trong những ngày lũ về ít tốn công chăm sóc, chi phí thức ăn… lại cho lãi cao. Nguồn thức ăn thiên nhiên phong phú vào mùa nước nổi đã giúp nhà nông “vỗ béo” cá rô đồng mà không quá tốn kém chi phí và công chăm sóc. Đến khi nước rút là bà con có thể thu hoạch cá để bán cho thương lái.


Theo khảo sát của ngành nông nghiệp, trong tương lai các tỉnh ĐBSCL mở rộng diện tích nuôi tôm càng xanh lên hơn 10.000 ha; sẽ có hàng chục ngàn ha chuyên nuôi các loại cá đồng như cá lóc, cá rô… Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro, chỉ nên tập trung ở những hộ là dân nuôi cá, tôm có tay nghề cao. Riêng với các hộ nghèo, ít vốn… cần phổ biến bà con chọn nuôi thủy sản với quy mô khoảng 1.000 - 2.000 con/hộ. Sau 4 -5 tháng thu hoạch, tương đương với một mùa lũ đi qua, mỗi hộ có thể kiếm thêm thu nhập khoảng 5 - 10 triệu đồng.

 

Đa dạng mô hình làm ăn


Như mọi năm, năm nay tỉnh Đồng Tháp… tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án khai thác tài nguyên mùa nước nổi với hàng chục mô hình sản xuất được phân theo 3 nhóm trồng trọt, chăn nuôi thủy sản và các ngành nghề dịch vụ. Ngoài việc khai thác nguồn lợi tự nhiên như bắt cua đồng, ốc bươu vàng làm thức ăn chăn nuôi thủy sản... hàng chục ngàn hộ nông dân nghèo được hướng dẫn kỹ thuật tận dụng lợi thế lũ để trồng điên điển, sen, ấu, rau nhút… cải thiện cuộc sống.


“Nhờ khai thác những lợi thế do lũ đem lại, bà con ĐBSCL đã có thêm thu nhập mỗi năm khoảng 500 - 700 tỷ đồng, đồng thời giải quyết được việc làm cho 20.000 - 30.000 lao động. Ngay từ đầu năm 2012, chúng tôi đã phối hợp mở lớp dạy nghề, tổ chức tập huấn ngắn hạn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; trong đó chú trọng hướng dẫn xây dựng các mô hình nuôi cá lóc, ếch, lươn… đồng thời hỗ trợ vốn giúp người dân”, ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết.


Tại An Giang, tỉnh đang triển khai 30 mô hình sản xuất trong mùa nước nổi, dự kiến tạo việc làm cho khoảng gần 600.000 lao động. Theo tính toán của ngành nông nghiệp, qua nhiều mô hình như: nuôi lươn, trồng rau nhút, trồng nấm rơm… trung bình mỗi năm An Giang thu được 1.500 - 1.600 tỷ đồng từ việc khai thác lợi thế do lũ đem lại. Riêng tỉnh Long An, kết hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, tỉnh đang nhân rộng các chương trình giúp bà con phát huy lợi thế những ngày nước nổi để tăng thu nhập. Hiện các mô hình tận dụng lao động nhàn rỗi, dù ít vốn nhưng cho thu nhập ổn định và không mang tính rủi ro cao như: cho nước vào ruộng để trồng củ ấu hay rau nhút; vỗ béo gia súc… đã được tỉnh chú trọng triển khai.


Bài và ảnh: Lê Nghĩa

Đồng bằng sông Cửu Long: mưu sinh trong mùa lũ
Đồng bằng sông Cửu Long: mưu sinh trong mùa lũ

Lũ đang tràn về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Cùng với tinh thần chủ động đón lũ, những ngày này, người dân các tỉnh ĐBSCL cũng đang khẩn trương bước vào mùa làm ăn trong mùa lũ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN