Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, TP Hồ Chí Minh tập trung toàn lực lượng chống dịch

Sau khi có thêm các trường hợp dương tính với virus SASR-CoV-2 liên quan ổ dịch sân bay Tân Sơn Nhất, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh ngày 8/2, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện "dành nhiều thời gian và không ra khỏi thành phố, tập trung toàn lực cho Thành phố chống dịch".

Khẩn trương khoanh vùng, truy vết các trường hợp tiếp xúc

Liên quan đến ổ dịch tại khu bốc xếp hàng hóa sân bay Tân Sơn Nhất, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, đến nay, đơn vị này đã ghi nhận thêm 25 trường hợp nghi nhiễm COVID-19 xuất hiện tại 6 quận, gồm 1 trường hợp cư ngụ tại thành phố Thủ Đức, 6 trường hợp cư ngụ tại quận 12, 6 trường hợp tại Gò Vấp, 5 trường hợp tại quận Bình Thạnh và 7 trường hợp tại quận Bình Tân.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh tổ chức khoanh vùng nhanh những khu vực có ca nhiễm.

“25 trường hợp nghi mắc COVID-19 được phát hiện khi truy vết từ 5 trường hợp nhiễm bệnh thuộc tổ bốc xếp hàng hoá các chuyến bay trong sân bay Tân Sơn Nhất, gồm bệnh nhân 1979, bệnh nhân 2002, bệnh nhân 2003, bệnh nhân 2004 và bệnh nhân 2005”, đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, ngay khi có kết quả xét nghiệm, Thành phố khẩn trương khoanh vùng nhanh, phong tỏa tạm thời các địa điểm liên quan đến ca bệnh, nhanh chóng truy vết các trường hợp tiếp xúc theo phương châm lấy mẫu giám sát rộng, phong tỏa hẹp.

Đánh giá về tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh khá phức tạp vì dịch đã trải qua các chu kỳ lây nhiễm. "Hiện nay chưa biết được điểm khởi đầu của chùm lây nhiễm ở khu vực bốc xếp sân bay Tân Sơn Nhất. Các ca lây nhiễm này có thể khởi nguồn từ các ca xuất hiện trước đây mà chúng ta có thể đã không phát hiện được dịch bằng các biện pháp hiện có”, ông Nguyễn Thanh Long nói.

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm tất cả nhân viên làm việc trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị TP Hồ Chí Minh phải xác định các trường hợp công nhân và gia đình công nhân bốc xếp là các trường hợp nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Trước hết cần phải truy vết dịch tễ với toàn bộ các công nhân làm việc trong cùng bộ phận, sau đó mở rộng ra các bộ phận khác.

Đối với các ca lây nhiễm trong cộng đồng, ông Nguyễn Thanh Long cũng yêu cầu Thành phố phải truy vết bằng được nguồn lây nhiễm, tiến hành khoanh vùng nhanh đối với các địa bàn có trường hợp lây nhiễm, lấy mẫu tất cả các trường hợp có liên quan. Sau khi có kết quả xét nghiệm cần thu hẹp phong tỏa để tránh ảnh hưởng đến việc đón Tết của người dân.

“Dịch đã lan ra cộng đồng, Thành phố cần quyết định chọn địa điểm áp dụng Chỉ thị 16 hay Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ cho phù hợp nhằm đảm bảo triển khai các giải pháp chuẩn bị nhanh hơn mức độ lây lan của dịch, đảm bảo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Huy động toàn bộ lực lượng, sớm cắt đứt chuỗi lây nhiễm

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Thành phố sẽ tiếp tục khẩn trương điều tra, truy vết người tiếp xúc với các ca bệnh COVID-19 mới phát hiện trong cộng đồng, khoanh vùng dập dịch triệt để tại những địa điểm liên quan; mở rộng xét nghiệm cho cả F2.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu lãnh đạo thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tập trung hơn nữa cho việc phòng chống dịch và không được ra khỏi thành phố.

Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống COVID-19 trong sân bay như tổ chức xét nghiệm lần 2 cho toàn bộ nhân viên làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất; xét nghiệm cho nhân viên một ngày trước khi đi làm việc, nếu có kết quả âm tính mới được đến sân bay làm việc; xét nghiệm tầm soát định kỳ cho nhân viên ở các khâu có tiếp xúc với hành khách đi và đến, tiếp xúc hàng hóa tại ga quốc tế.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành y tế phối hợp với các đơn vị chức năng trong sân bay rà soát, củng cố lại các quy trình vận hành, hoạt động trong sân bay để tăng cường, bổ sung các biện pháp hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh; tái tập huấn và kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định phòng chống dịch COVID-19 đối với nhân viên sân bay. Hạn chế tối đa các dịch vụ ăn uống tập trung đông người, nhiều tiếp xúc trong sân bay, chủ yếu cung cấp thức ăn nhanh mang đi.

Theo PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, đa số những ca bệnh phát hiện không có triệu chứng. Do đó, Thành phố cần phải gấp rút kiểm soát các điểm xuất hiện ca bệnh. “Việc xét nghiệm cần phải được nâng lên hàng đầu đề kịp thời truy vết, kiểm soát; cần phối hợp phân khu đưa mẫu xét nghiệm về một nơi, đồng thời phải điều tra dịch tễ nhiều, sớm để tăng khả năng khoanh vùng được trên diện rộng”, ông Phan Trọng Lân nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị TP Hồ Chí Minh lấy mẫu xét nghiệm cho từng gia đình, khi phát hiện dương tính cần đưa gia đình đó đi cách ly ngay và lấy mẫu xét nghiệm lần 2. "Thành phố cần triển khai theo phương án này để nhanh chóng hoàn tất xét nghiệm ở các khu vực đông dân cư. Ví dụ như khu Mã Lạng (quận 1), chúng ta có thể lấy toàn bộ các mẫu trong cùng gia đình, đưa vào chung một ống và xét nghiệm, nếu có mẫu dương tính thì đưa toàn bộ gia đình người đó đi cách ly và lấy mẫu lần 2. Với khu Mã Lạng đáng lý sẽ lấy hơn 2.000 mẫu nhưng giờ chỉ cần lấy 775 mẫu”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, Bộ Y tế sẽ điều động bộ phận thường trực do Thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng bộ phận, huy động toàn bộ lực lượng y tế trên địa bàn để sớm cắt đứt chuỗi lây nhiễm ở TP Hồ Chí Minh. Bộ Trưởng cũng đề nghị các đơn vị cần nâng công suất xét nghiệm tối đa, việc điều phối lấy mẫu, vận chuyển chia mẫu cần nhanh chóng, thận trọng. "Khoanh vùng dịch nhanh, xét nghiệm sớm là yếu tố then chốt để ngăn chặn dịch", Bộ trưởng khẳng định.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP Hồ Chí Minh ngày 8/2, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng đã đề nghị các quận, huyện có ca nghi nhiễm và ngành y tế Thành phố tiếp tục truy vết thần tốc, xét nghiệm nhanh. "Ngành y tế phối hợp với các đơn vị chức năng truy vết kỹ với các ca bệnh và các trường hợp nguy cơ lây nhiễm trong khu vực bốc xếp hàng ở sân bay Tân Sơn Nhất; rà soát, củng cố lại các quy trình vận hành, hoạt động trong sân bay để tăng cường, bổ sung các biện pháp hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Yêu cầu lãnh đạo thành phố Thủ Đức và các quận, huyện cần tập trung cho công tác chống dịch tại địa bàn, phối hợp với cả hệ thống chính trị để triển khai các giải pháp hiệu quả", ông Nguyễn Thành Phong chỉ đạo.

Những địa điểm liên quan đến các ca bệnh đang được phong tỏa và xử lý tại TP Hồ Chí Minh: Nhà bệnh nhân 2002: Khu nhà trọ 90/16 đường Nguyễn Phúc Chu, phường 15, quận Tân Bình. Nhà bệnh nhân 2003: Tổ 47 khu phố 4, phường Trung Mỹ Tây, quận 12 với khoảng 30 dân. Nhà bệnh nhân 2004: Tổ 22 khu phố 3A, phường Thạnh Lộc, quận 12 với khoảng 100 dân. Nhà bệnh nhân 2005: Toàn bộ khu vực tứ giác Nguyễn Cư Trinh (Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Trãi, Nguyễn Cư Trinh, Cống Quỳnh, quận 1) với khoảng 2.000 dân.

Địa chỉ tại số130/57 đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình. Quán Nam Bắc tại số 12 A1 đường Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình. Quán Cây Bàng, số B68 đường Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình. Quán gà ta Phương Nam tại số nhà A3, đường Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình. Khu trọ 60/41/25 đường Nguyễn Văn Cự, phường Tân Tạo, quận Bình Tân
Bài và ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Ổ dịch sân bay Tân Sơn Nhất có thể nhiều hơn 29 ca mắc COVID-19
Ổ dịch sân bay Tân Sơn Nhất có thể nhiều hơn 29 ca mắc COVID-19

Tại cuộc họp khẩn về công tác phòng chống dịch COVID-19 với TP Hồ Chí Minh ngày 8/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, số ca lây nhiễm tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ không dừng lại ở con số 29, mà có thể thêm những ca đã khỏi hoặc mới nhiễm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN