Dự báo trong khoảng 20 - 21 giờ ngày 17/9, các khu vực trên sẽ tiếp tục có mưa, mưa vừa và lan sang các tỉnh lân cận. Lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20 - 40 mm, có nơi trên 60 mm.
Lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ có nguy cơ xảy ra tại các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và Hà Giang. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao tại các huyện: Tân Lạc, Đà Bắc, thành phố Hòa Bình, Kỳ Sơn, Lạc Thủy, Yên Thủy (tỉnh Hòa Bình); Trấn Yên, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái); Mộc Châu, Yên Châu, Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La). Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất trung bình tại các huyện: Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình); Yên Bình, Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái); thành phố Sơn La, Mai Sơn, Bắc Yên, Phù Yên, Sông Mã (tỉnh Sơn La). Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, chiều 17/9, khu vực các tỉnh Quảng Trị và Lâm Đồng có mưa, mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to đến rất to. Lượng mưa (từ 13 - 16 giờ ngày 17/9) tại một số nơi như sau: Ba Nang 53 mm (tỉnh Quảng Trị); Lộc Phú - Bảo Lâm 63 mm, Hòa Đức - Lâm Hà 54 mm (tỉnh Lâm Đồng)... Khoảng 20 - 21 giờ ngày 17/9, khu vực các tỉnh Quảng Trị và Lâm Đồng tiếp tục có mưa, cục bộ có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 30 - 40 mm, có nơi trên 70 mm.
Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ cao tại các huyện: Đa Krông, Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị); Bảo Lâm, Lâm Hà, Di Linh (tỉnh Lâm Đồng). Nguy cơ sạt lở đất trung bình tại các huyện: Cam Lộ, Gio Linh, Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị); Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Đam Rông, Cát Tiên, thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng).
Trong khoảng 20 - 23 giờ ngày 17/9, lũ quét, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ có nguy cơ xảy ra tại các tỉnh Quảng Trị và Lâm Đồng. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.
Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, người dân nên hết sức cảnh giác, quan sát kỹ các hiện tượng biến động lạ về địa chất, nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét.
Các địa phương trong vùng ảnh hưởng mưa lũ kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn vùng núi, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn; đồng thời rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi mưa lớn.
Lực lượng chức năng kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.