Công ty du lịch TransViet đã xây dựng bộ quy tắc du lịch văn minh. |
Những lỗi "xấu xí"
Là những người làm du lịch, chúng tôi luôn luôn tôn trọng và muốn đem lại những dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Nhưng du khách cảm thấy sao khi du khách mất tiền ra nước ngoài du lịch mà nhìn thấy những tấm biển ghi bằng tiếng Việt cảnh báo có camera an ninh và nếu ăn cắp sẽ bị phạt tù; những tấm biển ghi bằng tiếng Việt phạt người để lãng phí đồ ăn; những tấm biển ghi bằng tiếng Việt sẽ phạt những ai vứt rác bừa bãi. Những tấm biển bằng tiếng Việt ở nước ngoài để cho ai đọc? Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều không muốn tiếng Việt trở nên quốc tế hóa, được sử dụng phổ biến ở nước ngoài theo cách này.
Hôm nay, chúng ta sẽ “nói thẳng với nhau một lần". Chắc sẽ không hết đau được, sẽ có thể tiếp tục còn phải nghe và chứng kiến nhiều chuyện đau lòng như vậy về người Việt, du khách Việt có hành động xấu xí. Chúng ta có thể phải nói nhiều lần cho đến khi nào không cần nói nữa.
Đây là vấn đề của toàn xã hội chứ không phải riêng ngành du lịch. Nhưng sau quá nhiều những hiện tượng xấu của một bộ phận người Việt hay du khách Việt được báo chí nêu, vẫn chưa có một cơ quan ban ngành nào đứng ra nhận trách nhiệm hay vào cuộc hành động để cải thiện tình hình.
Ngành du lịch với đặc thù là ngành mang tính văn hóa, xã hội cao, có tầm ảnh hưởng tới một lượng lớn người dân. Tôi nghĩ ngành du lịch có thể là ngành đi tiên phong trong việc ngăn chặn và đẩy lùi những tật xấu của du khách Việt nói riêng và của người Việt nói chung.
Chúng tôi muốn liệt kê ra đây những điều cơ bản nhất và hậu quả của nó cũng như muốn đề xuất ở đây những suy nghĩ của chúng tôi, những giải pháp mà chúng tôi cho rằng sẽ mang lại hiệu quả hữu hiệu để hình ảnh của du khách Việt và người Việt đẹp hơn.
Trước tiên, chúng ta phải nhận diện những tật xấu của một bộ phận du khách Việt là gì? Theo quan sát của chúng tôi, du khách Việt hay bị vi phạm những lỗi sau.
Thứ nhất là mất trật tự nơi công cộng: Rất dễ bắt gặp nhóm khách Việt nói cười ầm ĩ ở trên máy bay, tàu, xe, khách sạn, các điểm tham quan, hoặc hô 1,2,3 dzô ầm ĩ ở quán ăn khiến người xung quan rất khó chịu.
Thứ hai là chen lấn hàng: Nhiều người Việt còn chưa có thói quen xếp hàng tại sân bay, điểm tham quan, vui chơi giải trí.
Thứ ba là vứt rác bừa bãi: Nhiều người chưa có thói quen vứt rác vào sọt rác. Hay có thói quen ăn uống trên tàu xe, nơi công cộng và vứt rác bừa bãi, bẩn thỉu.
Thứ tư là hút thuốc nơi bị cấm: Nhiều người không biết nhiều nước ngoài thực hiện cấm hút thuốc rất nghiêm. Có thể bị phạt tới 1.000 USD nếu hút thuốc nơi bị cấm. Muốn hút phải vào khu vực hút thuốc riêng.
Thứ năm là lãng phí đồ ăn, nhất là khi ăn buffet lấy quá nhiều, không ăn hết. Hoặc không có kinh nghiệm ăn buffet. Thấy đồ ăn trông ngon mắt nên lấy nhiều nhưng không hợp khẩu vị nên lại bỏ phí.
Thứ sáu là ăn mặc không phù hợp, một số du khách mặc quần áo ngắn đến các điểm tôn giáo.
Thứ bảy là trễ giờ, dậy muộn, hoặc mải mua sắm khiến cả đoàn phải đợi.
Thứ tám là chụp ảnh nơi không được phép: Trong nhiều nơi như nhà thờ, bảo tàng cấm chụp ảnh (hoặc cấm chụp ảnh có đèn flash) nhưng nhiều người vẫn vi phạm. Hoặc để cố chụp ảnh thì dẫm lên cỏ hoa hoặc trèo leo lên di tích.
Thứ chín là ăn cắp vặt: Một số báo đã phản ánh tình trạng người Việt ăn cắp đồ tại các siêu thị Nhật, Đài Loan. Hay một số vụ du khách có tiền nhưng lại “cầm nhầm” đồ ra mà không trả tiền như vụ 2 khách Việt đi du lịch châu Âu ăn cắp kính ở Thụy Sỹ bị bắt.Theo quan sát của chúng tôi, các việc như “cầm nhầm” chăn trên máy bay; lấy đồ lặt vặt ở khách sạn khá phổ biến.
Và thứ mười là đi lao động bất hợp pháp tại nước ngoài: Hiện tượng đóng vai khách du lịch để trốn ở lại hành nghề hợp pháp ở nước ngoài khá phổ biến và đã đến hồi cảnh báo. Đơn cử như Singapore đã từ chối cho nhập cảnh mỗi tháng hàng trăm du khách nữ vì nghi ngờ sang làm gái và các hãng hàng không của Việt Nam đã bị phạt mất rất nhiều tiền. Hoặc tỉ lệ người Việt trốn lao động bất hợp pháp ở Hàn Quốc đến 32%, vượt xa mức trung bình 17%. Vừa qua, báo chí Hàn Quốc và Việt Nam cũng ầm ĩ vụ 46 khách bỏ trốn tại đảo Cheju lập nên kỷ lục số người bỏ trốn một lần tại hòn đảo này. Bản thân công ty du lịch chúng tôi cũng thường xuyên phát hiện và từ chối các khách định lợi dụng việc đi tour để trốn lại tại Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), châu Âu…
Bản thân tôi cũng nhiều lần chứng kiến những hình ảnh không hay của du khách Việt.Ví dụ như trong chuyến đi Nhật năm ngoái. Chúng tôi tới hòn đảo Kyushu ở miền nam nước Nhật và được đón tiếp rất trọng thị vì họ muốn phát triển du lịch và Việt Nam là thị trường mới nổi. Bác lái xe Nhật lớn tuổi nhưng phục vụ rất tốt, rất lịch sự, lái xe giỏi và giữ xe rất sạch sẽ. Mới đầu bác rất vui vẻ, cười suốt, nhưng khách Việt Nam mình ăn uống trên xe để bẩn để bác lái xe phải rất vất vả dọn hàng ngày. Và thường xuyên khách đến muộn mà xe không dừng đỗ được. Đến ngày cuối, bác không thể cười được nữa vì có 2 khách mải shopping nên đến điểm hẹn trễ gần 1h đồng hồ trong khi sắp đến giờ đoàn phải ra sân bay. Khi ăn buffet, khách nhà mình vẫn để lấy nhiều để thừa thức ăn và nhiều người ăn rất khôn theo kiểu sushi có miếng cá ngon đặt lên trên cơm cuộn thì chỉ ăn cá thôi còn bỏ cơm.
Những hành động xấu của người Việt hay du khách Việt đã làm ảnh hưởng đến con người, địa danh bị ảnh hưởng bởi sự vi phạm của du khách Việt xấu xí, ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia và ảnh hưởng đến quá trình hội nhập của Việt Nam. Chúng ta đang mở rộng hội nhập về kinh tế, tham gia rất nhiều những tổ chức quốc tế như WTO, TPP, AEC… nếu hình ảnh đất nước của chúng ta bị coi thường do những hành vi xấu xí thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình hội nhập của Việt Nam và quyền lực mềm của Việt Nam ra thế giới.
Triển khai bộ quy tắc ứng xử
Do đây là vấn đề của xã hội, đất nước, nên sẽ cần sự chung tay vào cuộc của cả xã hội. Từ góc độ doanh nghiệp, chúng tôi kiến nghị cơ quan quản lý du lịch cần ban hành bản quy tắc văn minh du lịch và tuân thủ pháp luật khi đi du lịch. Bắt buộc các công ty du lịch phải triển khai cho khách và nhắc nhở khách về quy tắc văn minh du lịch và tuân thủ pháp luật khi đi du lịch. Nghiên cứu đưa mục văn minh du lịch vào luật du lịch sửa đổi 2016.Có chế tài xử phạt các khách và công ty du lịch vi phạm.Ví dụ, các khách du lịch vi phạm luật ở nước ngoài như ăn cắp, bỏ trốn, hành nghề bất hợp pháp, buôn lậu, đánh nhau…thì tùy mức độ cả khách và công ty du lịch sẽ bị xử lý. Nặng thì khách có thể bị cấm xuất cảnh trong 1 khoảng thời gian hoặc vĩnh viễn. Công ty du lịchvi phạm nghiêm trọng có thể bị rút giấy phép. Phối hợp với các cơ quan bộ ngành khác như Bộ VHTTDL, Bộ công an, Hàng không và các nước bạn để cùng thông tin và xử lý các trường hợp vi phạm.Và cuối cùng, phát động các chương trình quốc gia nhằm nâng cao văn minh khi đi du lịch.
Công ty du lịch TransViet đã xây dựng bộ quy tắc du lịch văn minh và đã được in thành tờ rơi với những hình minh họa sinh động để phát cho du khách.
Bộ quy tắc gồm 3 phần:
Phần 1: Cư xử văn minh 10 khuyến cáo nên/ không nên khi đi du lịch: Ví dụ: khuyên khách không nên gây ồn ào, xếp hàng trật tự, không lãng phí thức ăn, không vứt rác bừa bãi. Thực hiện các điều này để giữ hình ảnh đẹp của du khách Việt Nam văn minh, lịch sự.
Phần 2: Tuân thủ pháp luật: 10 điều luật bắt buộc phải làm trước và trong khi đi du lịch: Ví dụ: không lấy những gì không thuộc về mình, không ở lại quá thời hạn quy định hoặc trốn ở lại quốc gia đến. Du khách Việt cần thực hiện các điều này nếu không thì có thể bị nhận những hậu quả như bị phạt hay bị trục xuất hoặc thậm chí bị giam giữ. Phần 3: Du lịch có hiểu biết: 10 điều du khách nên biết để cư xử văn minh, tránh được những điều không hay và thu nhận được tối đa những ích lợi từ chuyến đi. Ví dụ: nên tìm hiểu trước về điểm đến. Tránh tới các địa điểm không bảo đảm an ninh. Nên quan sát và học tập văn hóa ứng xử văn minh ở nước ngoài để cho thể áp dụng cho cuộc sống thường ngày. Và nên tự trọng, tự tin, tự tôn và có trách nhiệm với hình ảnh quốc gia qua từng hành động lớn hay nhỏ. |
Với các công ty du lịch, cần khuyến cáo khách đi du lịch bằng cách phát tờ rơi bộ quy tắc văn minh du lịch và tuân thủ pháp luật cho khách.Có thể in ra hoặc gửi bằng file mềm;cùng với tờ chương trình tour và thông tin cần thiết trước chuyến đi cho khách. Bên cạnh đó, HDV phải nhắc nhở khách trước và trong quá trình đi tour. Thực tế cho thấy nếu khách được công ty du lịch và HDV nhắc nhở kỹ thì có thể giảm được đến 70%-80% các hành động xấu của khách.Đặc biệt. công ty du lịch cùng nhau từ chối tiếp nhận khách đã bị mắc những lỗi nghiêm trọng khi ở nước ngoài (ăn cắp, bỏ trốn bất hợp pháp, gây gổ…).
Với riêng Công ty du lịch Transviet, chúng tôi kiến nghị "được phạt" nếu để xảy ra tình trạng để khách có hành vi xấu ở nước ngoài. Tại sao chúng tôi mong được phạt? Vì đó sẽ là cái cớ để chúng tôi luôn nhắc nhở khách rằng “Mong quý khách hãy thực hiện tốt các quy định về văn minh du lịch và tuân thủ pháp luật để công ty chúng tôi và cả quý khách không bị phạt”.
Là một doanh nghiệp có trách nhiệm với ngành và với xã hội, đất nước, công ty du lịch TransViet thời gian qua đã khởi xướng chương trình nâng cao văn minh du lịch và tuân thủ pháp luật khi đi du lịch. Theo đó, chúng tôi đã ban hành bộ quy tắc và tờ rơi về văn minh du lịch và phát cho khách của TransViet và khách tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất; yêu cầu HDV nhắc nhở khách thực hiện văn minh du lịch và tuân thủ pháp luật khi đi du lịch..
Sắp tới, chúng tôi sẽ thực hiện road show tuyên truyền về chương trình “Nâng cao hình ảnh du khách Việt”: Sẽ có các em sinh viên đi xe đạp mang những biểu ngữ, phát tờ rơi cổ động cho chương trình và phát tờ rơi cho khách tại sân bay. Bên cạnh đó, sẽ lập Face book/web về văn minh du lịch để cập nhật các bài viết, tin tức về chủ đề “Nâng cao hình ảnh du khách Việt”. Cùng với đó, sẽ cùng Hiệp hội Du lịch tổ chức buổi phát động về văn minh du lịch tại VITM và các chương trình khác của Hiệp hội Du lịch về văn minh du lịch.