Dân Tiền Giang khổ vì lò gạch

Nhiều năm qua, người dân ở ấp Hội Tín, xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy (Tiền Giang), phải sống khổ sở vì ô nhiễm bụi từ các lò gạch nằm cặp sông Ba Rài gây ra.
 

Ảnh minh họa. Nguồn: laodong.com.vn


Đến nay, xã Hội Xuân có 33 lò đun gạch của 11 hộ dân đang hoạt động, tập trung chủ yếu ở ấp Hội Tín, bố trí dày đặc trên một phạm vi chật hẹp, nằm cặp theo con sông Ba Rài, khiến cho ô nhiễm môi trường càng trầm trọng hơn.

Điều đáng nói là, các lò gạch này nằm trong khu vực sản xuất và nhà ở của dân, nên người dân càng bức xúc. Do đó, lượng khói bụi, khí CO2 từ các lò gạch này thải ra môi trường rất lớn, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng kéo dài nhiều năm qua.

Hội Xuân là vùng đất trù phú, giàu phù sa nên rất thuận lợi phát triển cây ăn trái. Bình quân mỗi năm, nguồn thu nhập từ cây ăn trái không dưới 300 triệu đồng/ha. Thế nhưng, nhiều năm qua, hơn 50 hộ dân ở khu vực này đang sống khổ vì sản xuất bị ảnh hưởng trầm trọng, kéo dài nhiều năm do ô nhiễm từ các lò gạch. Thậm chí, có hộ trồng cây chưa kịp thu hoạch đành phải đốn bỏ vì cây bị hư hại, suy kiệt. Không những sản xuất bị ảnh hưởng, đời sống kinh tế gặp khó khăn, người dân ấp Hội Tín, xã Hội Xuân, còn phải sống chung ô nhiễm khói bụi từ các lò gạch, nên ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.

Nghề sản xuất gạch thủ công ở ấp Hội Tín có từ 30 năm nay, tạo việc làm ổn định và thu nhập đáng kể cho nhiều lao động địa phương và các vùng lân cận những lúc nông nhàn. Tuy nhiên, do chưa chuyển đổi công nghệ, chỉ sản xuất theo thủ công, nhất là chưa thực hiện các giải pháp hạn chế khói bụi nên hầu hết các lò gạch này đều không đạt tiêu chí môi trường.

Hầu hết các lò gạch ở ấp Hội Tín đều không có ống khói để pha loãng khí thải, nên mỗi lần đốt lò đều khiến môi trường xung quanh ngột ngạt mùi khói, mùi khét. Tình trạng này ngày càng trầm trọng vì các lò gạch phải tăng thêm công suất để đáp ứng nhu cầu xây dựng ngày càng tăng cao. Theo phản ánh của các hộ dân, nhiều diện tích vườn cây ăn trái gần lò gạch bị sức nóng, khói bụi của các lò gạch làm cho cháy lá, cây bị còi cọc, suy kiệt, làm thất thu lớn về kinh tế. Thậm chí, nhiều hộ trở thành hộ nghèo do không có nguồn thu nhập.

Ông Lê Văn Thôn, Phó Chủ tịch UBND xã Hội Xuân, cho biết, ngành chức năng cũng đã hướng dẫn các lò gạch này áp dụng các biện pháp xử lý môi trường. Tuy nhiên, qua kiểm tra thì đa số đều xử lý môi trường không đạt. Do đó, về lâu dài xã kiến nghị các cấp chính quyền cần có biện pháp xử lý triệt để các lò gạch này để tránh tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ vườn cây ăn trái của người dân địa phương.

Để trả lại không khí trong lành cho cộng đồng dân cư, các ngành chức năng trong tỉnh có các biện pháp mạnh hơn trong việc xử lí ô nhiễm môi trường từ các lò gạch thủ công, di dời ra khỏi khu dân cư hoặc có chính sách khuyến khích chuyển đổi nghề nghiệp đối với những người làm nghề này để vừa bảo đảm lợi ích kinh tế, vừa bảo đảm môi trường sống ở khu dân cư.



Công Trí
Đình chỉ, rút giấy phép kinh doanh các cơ sở gây ô nhiễm

Đó là thông tin mà Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội vừa đưa ra. Theo đó, thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh thanh, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa, các đơn vị chức năng của thành phố sẽ kiên quyết đình chỉ sản xuất, rút giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN