Đã xác định được tên sâu lạ hại tràm ở Sóc Trăng

Theo kết quả giám định của Trung tâm Giám định Kiểm dịch thực vật thuộc Cục Bảo vệ thực vật, sâu lạ hại tràm ở huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) có tên khoa học là Targalla delatrix (Gunee), họ Noctuidae, bộ Lepidoptera.

Đây là sâu ăn tạp. Tác hại của sâu này là ăn lá non và đọt tràm làm cây tràm nảy nhiều chồi, thân tràm không thẳng, giảm chất lượng cây tràm nhưng không làm tràm chết. Đặc biệt, sâu hại rất mẫn cảm với thuốc trừ sâu.

Trước đó, sâu hại tràm xuất hiện cao điểm ở huyện Mỹ Tú vào tháng 5/2017, chủ yếu trên cây tràm Australia dưới 1 năm tuổi. Diện tích bị sâu hại toàn huyện là 150 ha, mức độ 15 - 20 con/cây; trong đó sâu xuất hiện nhiều ở xã Hưng Phú 105 ha và rải rác ở các xã Long Hưng, Mỹ Phước, Mỹ Tú.

Theo điều tra, trước đây loài sâu này đã xuất hiện ở huyện Mỹ Tú và gây hại trên cây tràm, tuy nhiên mật số không cao và không ảnh hưởng lớn đến tình hình sinh trưởng cũng như năng suất của cây tràm. Những tháng gần đây, sâu bùng phát diện rộng là do nông dân bón phân đạm và phun xịt các loại thuốc trừ sâu nhiều làm tiêu diệt thiên địch của cây.

Hiện nay, nhờ khắc phục, diện tích bị ảnh hưởng sâu hại toàn huyện còn 125 ha, mức độ phục hồi đạt 60 – 70%. Ngành chức năng địa phương đã hướng dẫn người dân sử dụng thuốc trừ sâu sinh học để tiêu diệt sâu, sửa nhánh tràm.

Ông Nguyễn Văn Đầy - Trạm trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) cho biết, thời gian qua mưa nhiều đã làm giảm khá nhiều nhộng. Mật số sâu đã giảm đáng kể. Cây tràm bị sâu hại đa số có dấu hiệu sinh trưởng, phát triển bình thường, khả năng năng suất chỉ bị giảm từ 5 - 10%.

Để bảo vệ vườn tràm, ngành chức năng địa phương khuyến cáo người dân thường xuyên làm cỏ để hạn chế sâu làm nhộng; cắt cành, tỉa cây làm thông thoáng vườn để bướm ít đẻ trứng; hạn chế việc thâm canh trong canh tác tràm, hạn chế bón thừa phân đạm làm sâu phát sinh nhiều, nên bón phân cân đối NPK. Đồng thời, không sử dụng thuốc trừ sâu diện rộng khi mật số sâu chưa cao để bảo vệ thiên địch như kiến vàng, các loại ong ký sinh và đảm bảo cân bằng hệ sinh thái. Khi phát hiện sâu mật số cao, trên cây tràm từ 1-  2 tuổi thì nên phun thuốc trừ sâu gốc sinh học. Nên phun vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối vì thời gian này sâu ra ăn lá nhiều và phun theo liều lượng khuyến cáo trên nhãn thuốc.

Theo ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, ngành chức năng địa phương đang quan ngại sự kháng thuốc của sâu. Sâu rất mẫn cảm với thuốc trừ sâu và có khả năng kháng thuốc lại, đòi hỏi phải có thuốc mới hoặc xịt thuốc nhiều lần.

Chính vì vậy, địa phương đã kiến nghị Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam hỗ trợ địa phương, tiếp tục nghiên cứu đặc tính sinh học, vòng đời của sâu và biện pháp quản lý hiệu quả.


Ngành nông nghiệp huyện Mỹ Tú cùng UBND các xã có diện tích trồng tràm chỉ đạo các cán bộ nông nghiệp tiếp tục theo dõi tình hình phát triển của sâu hại, đồng thời hướng dẫn nông dân quản lý sâu theo khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng.

Huyện Mỹ Tú có 805 ha diện tích tràm, đa số là giống tràm Australia do hiệu quả kinh tế cao gấp đôi cây tràm rừng truyền thống và ổn định nên người dân trên địa bàn mở rộng diện tích trồng và đầu tư thâm canh.

Tuy nhiên, với tình hình trước mắt là sâu lạ tấn công diện tích tràm, người dân nên tìm hiểu cụ thể đặc tính của cây tràm Australia tình hình sâu bệnh hại trước khi trồng và thường xuyên theo dõi những khuyến cáo, hướng dẫn của ngành nông nghiệp cũng như chính quyền địa phương.

Hoài Thu (TTXVN)
Cận cảnh hàng nghìn con sâu lạ hoành hành tại Bình Dương
Cận cảnh hàng nghìn con sâu lạ hoành hành tại Bình Dương

Từ đầu tháng 7/2017 đến nay, ở khu vực đường An Mỹ, phường Phú Mỹ, thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương) xuất hiện hàng nghìn con sâu lạ hoành hành ở các cây cổ thụ gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN