Đà Nẵng vẫn còn nhiều xã bị chia cắt bởi mưa lũ

Các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã tại 7/11 xã gồm: Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Phong, Hòa Khương Hòa Nhơn, Hòa Liên của Đà Nẵng vẫn bị chia cắt bởi mưa lũ.

Nhiều ngôi nhà của người dân trên địa bàn huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) chìm sâu trong nước.

Theo Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Trung Trung bộ, sáng 7/11, lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam đang xuống chậm. Hiện mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa, tỉnh Quảng Nam 8,50m, dưới báo động 3 là 0,5m; sông Cẩm Lệ tại Cẩm Lệ 1,80m, ở mức báo động 2, tiếp tục gây ngập lụt tại các xã Hòa Phong, Hòa Tiến, Hòa Nhơn và Hòa Khương (huyện Hòa Vang) và phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ), phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), thành phố Đà Nẵng.

Huyện Hòa Vang là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất thành phố Đà Nẵng, tính đến 6 giờ ngày 7/11, trên địa bàn huyện nhiều nhà dân vẫn còn ngập sâu. Mưa lũ đã khiến hơn 10.000 hộ bị ngập, các địa phương đã tổ chức di dời 316 hộ đến nơi an toàn; hơn 90 ha rau, đậu các loại bị ngập úng; hơn 12.000 con gia cầm bị chết và cuốn trôi; 30 ha diện tích nông nghiệp bị bồi lấp; trên 170 ha ao đang nuôi tôm cá bị ngập lụt; 38 công trình trường học các cấp bị ngập nước. Ước tính thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Hiện các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã tại 7/11 xã gồm: Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Phong, Hòa Khương Hòa Nhơn, Hòa Liên vẫn bị chia cắt. Huyện Hòa Vang đang triển khai cắm biển báo nguy hiểm các đoạn đường bị ngập lụt; đồng thời, phối hợp với Công an huyện và lực lượng dân quân các xã chốt chặn, ngăn không cho người dân qua lại những điểm bị ngập lũ. Bên cạnh đó, đề nghị thành phố hỗ trợ 1.000 kg Cloruamin B, 50 lít thuốc diệt ruồi Becmtheryn 50D và 5 máy phun Phuntan để tiêu độc, khử trùng sau lũ.

Mưa lũ cũng gây ngập úng cục bộ tại Tổ 244 khu đô thị Phước Lý và Tổ 22, 23 khu vực Hòa Phú phường Hòa Minh; khu dân cư 8 Đà Sơn phường Hòa Khánh Nam trên địa bàn quận Liên Chiểu. Tại quận Cẩm Lệ, mưa lũ gây ngập cục bộ Tổ 05, Tổ 30, Tổ 32 phường Hòa Phát và 71 hộ dân tại khu vực thôn Cồn Dầu; khu vực Bàu Sen và Đông Nam nút giao thông Hòa Cầm.

Để chủ động đối phó tình hình mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đề nghị UBND các quận, huyện tiếp tục theo dõi diễn biến lũ, tổ chức chốt chặn ở những vị trí đường giao thông bị hư hỏng, sạt lở nặng hoặc đang ngập nước, hạn chế nhân dân đi lại những vùng đang còn ngập; tổ chức vệ sinh môi trường không để xảy ra dịch bệnh do môi trường thiếu vệ sinh sau lũ, lụt; thống kê thiệt hại ban đầu để tổ chức khắc phục, hỗ trợ người dân, nhanh chóng ổn định đời sống và sinh hoạt của nhân dân.

Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các đơn vị triển khai công tác vệ sinh môi trường, xử lý rác, xác súc vật để bảo đảm vệ sinh, phòng tránh dịch bệnh. Sở Y tế sẵn sàng thuốc xử lý nước uống, thuốc men phòng dịch bệnh phát sinh sau lũ, lụt. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo thống kê thiệt hại về nông nghiệp, thủy lợi, lâm nghiệp để có hướng hỗ trợ nhân dân vùng lũ và khắc phục nhanh các hư hỏng của công trình thủy lợi đảm bảo phục vụ vụ Đông Xuân 2017-2018.

Đinh Văn Nhiều (TTXVN)
Đà Nẵng: Hơn 4.000 nhà dân ở huyện Hòa Vang bị ngập do mưa lũ
Đà Nẵng: Hơn 4.000 nhà dân ở huyện Hòa Vang bị ngập do mưa lũ

Tại huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), mưa lũ đã khiến hơn 4.000 nhà dân, 45 ha rau, hơn 5 ha thủy sản bị ngập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN