Theo đó, thành phố sẽ xây dựng 2 hầm chui theo hướng chuyển động từ đường Trần Phú đi đường 2/9 (dài 562,5m) và hướng chuyển động từ đường 2/9 đi đường Bạch Đằng (dài 560,5m) với tổng kinh phí 384,9 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2019 đến năm 2021.
Phương án thiết kế nút giao thông phía Tây cầu Rồng phần hầm kín dài 120m và phần hầm dẫn 2 phía dài từ 110 - 135m, hình thức nút giao khác mức, tốc độ thiết kế vận tốc 40 km/h, quy mô công trình vĩnh cửu bằng thép và bê tông cốt thép, tải trọng thiết kế HL-93, hầm có khả năng chịu được động đất cấp 7.
Đồng thời, tiến hành đóng dải phân cách đường Nguyễn Văn Linh tại các nút giao Nguyễn Văn Linh - 2/9 - Bạch Đằng - Trần Phú; bố trí phần đường dành cho xe thô sơ qua đường trên đường Nguyễn Văn Linh điều khiển bằng hệ thống đèn tín hiệu kết hợp camera thông tin; xây dựng 1 hầm chui đi bộ trên đường Nguyễn Văn Linh tiếp cận hai bên đường Nguyễn Văn Linh và nhà ga BRT; bố trí hệ thống cây xanh, cảnh quan trong khu vực nút giao nhằm tăng tính thẩm mỹ cho công trình.
UBND thành phố đã giao Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai lập hồ sơ điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng cho toàn bộ Dự án phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng, lập quy hoạch chi tiết và định vị cắm mốc ranh giới công trình Cải tạo nút giao thông phía Tây cầu Rồng.
Đồng thời, đánh giá tác động môi trường của hạng mục, lấy ý kiến của Ngân hàng Thế giới và các bộ, ngành về việc sử dụng nguồn vốn tiết kiệm sau đấu thầu để đầu tư cho các hạng mục bổ sung vào Dự án phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng.
Cầu Rồng được khánh thành và đưa vào hoạt động từ tháng 3/2013, công trình này đã góp phần giải quyết bài toán lưu thông từ phía quận Hải Châu và Thanh Khê sang quận Sơn Trà, nhất là từ sân bay Đà Nẵng ra phía biển và ngược lại. Tuy nhiên, qua một thời gian đi vào hoạt động đã xuất hiện việc ùn tắc cục bộ vào giờ cao điểm tại nút giao thông phía Tây cầu Rồng.