Đã có 14/15 trường hợp F1 của BN 867 âm tính

Thông tin từ cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Hà Nội: 14/15 trường hợp F1 của bệnh nhân 867 đã âm tính, 8 trường hợp F2 đang được điều tra khẩn cấp.

Chiều 12/8, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Ngô Văn Quý, đã điều hành trực tiếp cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Hà Nội.

Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo huyện Thanh Trì khẳng định: Về trường hợp bệnh nhân ở Hải Dương khám bệnh tại Hà Nội mới phát hiện dương tính với virus Sars-CoV-2 (được Bộ Y tế công bố là bệnh nhân 867), kết quả đã xác minh 14 trường hợp F1, tất cả các trường hợp này đã được đưa đi cách ly. Ngoài ra lực lượng chức năng đang cách ly 1 trường hợp nghi ngờ, chờ kết quả xét nghiệm chính thức.

Huyện Thanh Trì đang khẩn trương điều tra 8 trường hợp F2 và các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân này.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng túc trực tại quán bia hơi Lộc Vừng vào sáng 12/8 (nơi bệnh nhân 867 đã lưu trú). Ảnh: Huyền Chang.

Tại cuộc họp, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho rằng, lịch trình đi lại, khám chữa bệnh của bệnh nhân 867 rất phức tạp, khó xác định thời điểm lây nhiễm.

Liên quan đến ca bệnh 867, TS. Trần Đắc Phu, chuyên gia của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia nhận định: Cần làm rõ xem bệnh nhân này bị lây nhiễm ở Hải Dương hay Hà Nội vì trường hợp bệnh nhân này rất đáng lo ngại, và cũng đề nghị Hà Nội cần tập trung phòng chống dịch trong các cơ sở y tế, nhất là ở các trung tâm dưỡng lão.

Về việc liên tiếp có các ca bệnh mới liên quan đến bệnh viện, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, các cơ sở y tế cần thực hiện nghiêm túc hơn quy trình phòng chống dịch. Ông Hiền dẫn chứng: “như bệnh nhân 867 khi đi khám được chẩn đoán viêm phổi rồi cấp thuốc cho về là rất nguy hiểm”.

Đặc biệt tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh thông tin về việc đang thiếu vật tư để xét nghiệm nhanh người về từ Đà Nẵng, cụ thể là que lấy mẫu và ống môi trường.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho rằng, Hà Nội có thể sẽ còn ca mắc mới trong cộng đồng. Ảnh: Nguyễn Khánh.

Hiện nay, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương mới cung cấp cho Hà Nội khoảng 10.000 ống/ngày, do đó, công tác xét nghiệm phải làm theo thứ tự ưu tiên. Mặc dù Hà Nội được Bộ Y tế (giao cho các bệnh viện: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi trung ương và Bệnh viện Bạch Mai…), hỗ trợ xét nghiệm, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ.

Liên quan đến vật tư xét nghiệm, Phó Giám đốc phụ trách CDC Hà Nội, ông Trương Quang Việt cho biết, TP Hà Nội sẽ cố gắng hoàn thành việc xét nghiệm trong nửa đầu tuần sau. Hiện nay có hơn 60.000 người chưa được xét nghiệm, trong đó có những người đã quá 14 ngày kể từ thời gian từ Đà Nẵng về.

Trước tình hình đó, CDC Hà Nội đề xuất Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về việc ưu tiên sản xuất vật tư để Hà Nội kịp thời gian chống dịch.

TN/Báo Tin tức
Chiều 12/8, Việt Nam có thêm 14 ca mắc mới COVID-19, trong đó 1 ca tại Hà Nội
Chiều 12/8, Việt Nam có thêm 14 ca mắc mới COVID-19, trong đó 1 ca tại Hà Nội

Tính đến 18 giờ ngày 12/8, Việt Nam ghi nhận thêm 14 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 1 ca tại Hà Nội; nâng tổng số ca mắc của Việt Nam lên 880 trường hợp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN