'Cực chẳng đã' phải tăng cước vì giá xăng, doanh nghiệp vận tải vẫn 'điêu đứng'

Khi giá xăng ở mức dưới 30.000 đồng/lít, hàng loạt doanh nghiệp vận tải đường bộ cố cầm cự, không tăng giá cước. Với giá xăng tăng vượt 32.000 đồng/lít hiện nay, sức ép đã khiến các doanh nghiệp đồng loạt tăng giá cước để hoạt động cầm chừng, nhưng không ít nhà xe đã nản lỏng vì mất khách, thậm chí bán xe, chuyển nghề.

Quá sức chống chịu

Các doanh nghiệp vận tải và người lao động ngành Giao thông vận tải (GTVT) đang gắng gượng để duy trì hoạt động trước sức ép của giá xăng dầu tăng chóng mặt hiện nay.

Nhiều doanh nghiệp vận tải như Tân Hồng, Hùng Cường, Bắc Hải... cho thuê xe tải chạy hợp đồng từ 1,5 - 3,5 tấn trên phố Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) phản ánh, khi giá xăng tăng vượt mức 32.000 đồng/lít, họ đã phải bán bớt đầu xe, vì không có khách thuê. Chưa kịp tăng giá cước vận tải đã không có khách, nay tăng thêm khoảng 5% giá cước để bù vào giá xăng, chắc xe chỉ có "đắp chiếu". Nếu tiếp tục kéo dài thêm, các doanh nghiệp đều phải bán dần xe và chuyển nghề... 

Chú thích ảnh
Các doanh nghiệp vân tải hợp đồng trên phố Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm) "nản lòng" vì giá xăng tăng quá cao.

Anh Hùng Long, lái xe tải doanh nghiệp Hùng Cường chia sẻ, khi giá xăng ở mức 27.000 - 28.000 đồng/lít, chạy hợp đồng Hà Nội - Lạng Sơn, anh đã bị lỗ 15 triệu đồng/tháng/xe, trong khi xe chỉ chở được thưa thớt các chuyến hàng vì tắc biên. Với giá xăng tăng quá cao như hiện nay, anh cũng muốn tăng giá cước vận tải, nhưng khách hàng không đồng ý, điều này cũng khiến công ty khó cạnh tranh với các doanh nghiệp khác và đã quá sức chống chịu, không thể gánh lỗ thêm, tiến tới tính chuyện bán xe.

Còn theo ông Hán Trọng Bằng, chủ doanh nghiệp vận tải Cường An chạy tuyến cố định Hà Nội – Tuyên Quang, doanh nghiệp cũng đang rao bán loạt xe limousine do chi phí xăng dầu tăng cao, trong khi nhu cầu hành khách giảm mạnh. Doanh nghiệp chỉ chạy xe khách tuyến cố định, đã đề xuất với Công ty CP Bến xe Hà Nội tăng vé xe từ 100.000 đồng lên 120.000 đồng/vé để bù vào giá xăng,  nhưng đang dần mất khách hàng. Nếu tình trạng này kéo dài, doanh nghiệp không thể vay thêm vốn ngân hàng để đầu tư và chỉ có cách phá sản.

Qua tìm hiểu, hàng loạt các hãng taxi đều tăng giá cước lên 8 - 10%, như Rạng Đông, Mai Linh... Mức tăng cụ thể từ 12.300 đồng/km lên 13.300 đồng/km (từ km thứ 0,6 - 20), tăng từ 10.100 đồng/km lên 11.100 đồng/km (từ km thứ 20 trở đi) đối với tất cả các xe cỡ nhỏ... Các tuyến vận tải hành khách cố định cũng đã tăng giá vé... nhưng đều bị giảm khách. Với giá xăng tăng cao liên tục, doanh nghiệp không điều chỉnh giá vé, có thể sẽ phá sản.

Thống kê của Bộ GTVT, đến nay có khoảng 80 - 90% số doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định đã kê khai điều chỉnh tăng giá cước vận tải đề bù đắp chi phí nhiên liệu, với mức tăng từ 10 - 15%. Giá cước vận tải hàng hóa cũng được điều chỉnh tăng từ 7 - 10%.

Bao giờ bỏ thuế bảo vệ môi trường, hạ giá xăng dầu?

Theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, xăng dầu chiếm tỷ trọng từ 35 - 40% trong cấu thành giá cước, giá xăng dầu điều chỉnh ảnh hưởng đến 50% giá cước vận tải, từ đó cũng ảnh hưởng đến 50% giá các mặt hàng khác khi sử dụng dịch vụ vận tải. Để tháo gỡ cho doanh nghiệp vận tải, Hiệp hội kiến nghị Liên bộ Công thương - Tài chính cần vào cuộc, đề xuất với Chính phủ quyết định cho doanh nghiệp tạm ngưng đóng quỹ bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Nhà nước, doanh nghiệp phải cùng đóng góp vào quỹ bình ổn giá với người dân. Hiện nay, chỉ có người dân tham gia đóng góp quỹ này bằng việc đóng 300 đồng/lít xăng. Tất cả phải chung tay mới kiểm soát được giá xăng dầu, nếu không kiểm soát được các mặt hàng khác tăng theo, lạm phát sẽ là điều tất yếu.

Đại diện các doanh nghiệp vận tải cũng kiến nghị được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm thuế nhập khẩu và không áp thuế bảo vệ môi trường. Trước đây, thuế bảo vệ môi trường được tính 4.000 đồng/lít xăng, hiện nay đã được giảm một nửa còn 2.000 đồng/lít xăng. Để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này, nên bỏ việc áp thuế bảo vệ môi trường, bởi xăng dầu hiện nay đã sử dụng loại xăng sinh học giúp làm giảm ô nhiễm môi trường và các phương tiện cũng đã đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4, Euro 5 để góp phần bảo vệ môi trường. Việc áp thuế môi trường vào giá xăng hiện nay là không hợp lý.

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng 11 đợt, làm cho giá xăng dầu tăng mức kỷ lục. Thực tế, các doanh nghiệp vận tải đã kiến nghị, đề xuất vấn đề trên nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa có sự thay đổi, chủ yếu, doanh nghiệp hiện nay vẫn phải tự điều chỉnh chi phí để cầm cự vượt bão giá, nếu không muốn bị phá sản. Vì vậy, các doanh nghiệp vẫn ngóng chờ chính sách hỗ trợ, điều chỉnh từ phía các cơ quan chức năng.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Đề xuất giảm thuế cho doanh nghiệp vận tải trước áp lực tăng giá xăng, dầu
Đề xuất giảm thuế cho doanh nghiệp vận tải trước áp lực tăng giá xăng, dầu

Bộ Giao thông Vận tải vừa có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ tác động tăng giá nhiên liệu đến giá dịch vụ vận tải các lĩnh vực: Hàng không, đường bộ, đường sắt, hàng hải và đường thủy. Đồng thời, đề xuất kiến nghị tháo gỡ khó khăn vướng mắc ngành vận tải trước sức ép xăng dầu tăng giá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN