Công ty Thuận Phong tâm huyết xây dựng nhà ở miễn phí cho công nhân

Thời gian qua, một số bài báo đưa thông tin về việc “Giám đốc doanh nghiệp “khóc” trước mặt chủ tịch tỉnh Tiền Giang xin xây nhà cho công nhân”, đồng thời cũng đã có những thông tin phản hồi từ phía lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang về vấn đề này.

Để có góc nhìn khách quan, đa chiều, báo Tin Tức đã có buổi làm việc với lãnh đạo công ty TNHH Sản xuất chế biến nông thủy sản xuất khẩu Thuận Phong (khu công nghiệp Mỹ Tho, Tiền Giang) để phản ánh tổng thể quá trình thực hiện các thủ tục để xin chuyển nhượng, hoặc thuê đất để xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động của doanh nghiệp này như thế nào.

Từ việc hưởng ứng Nghị quyết 20

Theo ông Phạm Văn Tứ, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty TNHH sản xuất chế biến nông thủy sản xuất khẩu Thuận Phong (gọi tắt là Công ty Thuận Phong), doanh nghiệp được thành lập từ năm 2002 chuyên sản xuất bánh tráng, bún, bánh hỏi, bánh phở, hủ tiếu xuất khẩu cho thị trường EU- Mỹ, Nhật Bản… Lúc đầu thành lập, công ty chỉ có hơn 60 lao động nhưng đến nay số lượng công nhân viên đã lên hơn 1.600 người.


Để có điều kiện làm việc tại công ty, đại đa số công nhân phải thuê nhà trọ gần công ty để ở. Hàng tháng công ty phải thanh toán trợ cấp tiền thuê nhà trọ cho công nhân hàng trăm triệu đồng (bình quân 200.000 đồng/người/tháng).

Công nhân đang sản xuất tại công ty Thuận Phong.

Qua xem xét điều kiện sinh sống tại các khu nhà trọ công nhân rất khó khăn, một phòng trọ phải ở 4-5 người, điều kiện sinh hoạt vô cùng thiếu thốn, tồi tàn, không có khu vui chơi, giải trí, không có sân thể thao, rất dễ phát sinh các tệ nạn xã hội… đồng thời hưởng ứng Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Trung ương Đảng vận động, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng nhà ở, chăm lo cho đời sống công nhân.

 

“Quá trình tìm kiếm quỹ đất, tôi biết UBND tỉnh Tiền Giang có nhận lại từ Quân khu 9 hơn 18 ha đất tại xã Trung An (TP Mỹ Tho) để quy hoạch xây dựng nhà chung cư 10 tầng dành cho người thu nhập thấp nhưng do quy hoạch cao tầng không hợp lý nên không có nhà đầu tư nào vào. Do đó, tôi đã ký văn bản số 688/TP-CV ngày 29/10/2013 đến UBND tỉnh Tiền Giang xin chia (xin nhận chuyển nhượng) lại 2ha để xây dựng một công trình liên hợp gồm: Khu nhà ở tập trung, sân thể thao và các công trình phụ trợ phục vụ đời sống cho hơn 1.600 công nhân”, ông Tứ cho biết.


Tuy nhiên, theo ông Tứ, ngày 06/11/2013, UBND tỉnh Tiền Giang ra văn bản trả lời không chấp thuận đề nghị của Công ty Thuận Phong. “Sau lần bị từ chối trên, tôi cũng đã nhiều lần viết đơn, gửi thư xin gặp các vị lãnh đạo chủ chốt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang để trình bày nguyện vọng xây dựng nhà ở cho công nhân. Ngày 20/11/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng và ông Huỳnh Hữu Quyền, Giám đốc Sở Xây dựng, đã tiếp và nghe tôi trình bày. Ông Hưởng yêu cầu tôi về lập bản vẽ thiết kế trình UBND tỉnh Tiền Giang xem xét”, ông Tứ cho biết.


Đến ngày 23/11/2016, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định số 3559/QĐ-UBND “phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Khu dân cư Trung An”; trong đó có 3,11 ha xây dựng nhà ở xã hội. Căn cứ vào Quyết định 3559/QĐ-UBND nói trên, UBND tỉnh ra công văn số 5641/UBND-ĐTXD chỉ đạo UBND thành phố Mỹ Tho phối hợp với Sở Xây dựng hướng dẫn công ty Thuận Phong các thủ tục đầu tư khu nhà ở cho công nhân.


Công ty Thuận Phong đã thuê chuyên gia thực hiện bản vẽ thiết kế dự án nhà ở miễn phí cho công nhân với 6 block nhà 5 tầng (184 căn hộ) cùng khu thể thao đa năng, nhà ăn tập thể, nhà để xe, công viên cây xanh… với tổng diện tích đất là 19.490 m2. Tổng đầu tư dự án trên dưới 100 tỷ đồng, do doanh nghiệp bỏ ra toàn bộ chi phí.


Ngày 12/02/2017, Công ty Thuận Phong có văn bản kèm theo bản vẽ thiết kế khu nhà ở công nhân gửi Tỉnh ủy và UBND tỉnh Tiền Giang, đề nghị cho thuê 1,9 ha đất để thực hiện dự án.


Tuy nhiên, ngày 13/3/2017, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định số 459/QĐ-UBND “Phê duyệt điều chỉnh cục bộ”. Theo đó, 3,11 ha xây nhà ở xã hội, tỉnh cắt 2ha giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, còn 1,1 ha đề nghị công ty Thuận Phong nhận để xây nhà cho công nhân.


“Tại cuộc họp ngày 29/4/2017 do UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức, tôi đã đề nghị Chủ tịch Lê Văn Hưởng xem xét cho Công ty Thuận Phong thuê đủ 1,9 ha để sớm triển khai dự án vì quyền lợi chính đáng của công nhân lao động và theo bản vẽ mà lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng đã hứa xem xét trong 15 ngày làm việc nhưng trì hoãn kéo dài cho đến nay”, ông Tứ khẳng định.


Cho đến Chỉ thị 03


Thành phố Mỹ Tho hiện có 1 khu công nghiệp và 1 cụm công nghiệp (khu công nghiệp Mỹ Tho rộng 79 ha và cụm công nghiệp Trung An rộng 17 ha) với 41 nhà máy đang hoạt động, thu hút trên 16.000 công nhân lao động. Hiện chỉ một số doanh nghiệp xây dựng được khu nhà ở tập thể cho công nhân, còn khoảng 10.000 công nhân phải đi thuê phòng trọ.

Vị trí (khoản xanh lớn giữa) được tỉnh quy hoạch khu dân cư Trung An (thành phố Mỹ Tho). Ảnh: CTV

Khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định rõ: “Trường hợp khu công nghiệp đã hình thành mà chưa có hoặc chưa đáp ứng đủ nhà ở cho công nhân, người lao động thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt (hoặc điều chỉnh quy hoạch) để bổ sung quỹ đất phù hợp phát triển nhà ở xã hội”.


Như vậy, căn cứ Khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2015/NĐ-CP và Điều 56 Luật Nhà ở năm 2014 (quy định “đất để xây dựng nhà ở xã hội”) thì UBND tỉnh Tiền Giang phải phê duyệt bổ sung quỹ đất để xây nhà phục vụ chỗ ở cho gần 10.000 công nhân lao động tại thành phố Mỹ Tho chưa có chỗ ở.


“Với khu đất 18 ha (trừ ra hơn 3 ha đã xây dựng trường học) đang có sẵn và bỏ hoang, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chỉ duyêt 3,11 ha quy hoạch làm nhà ở xã hội, đáp ứng một phần rất nhỏ so với nhu cầu thực tế chỗ ở cho công nhân”, ông Tứ nói.


“Từ những tâm huyết trên, Công ty Thuận Phong chúng tôi đã quyết tâm thực hiện dự án xây dựng nhà ở miễn phí cho công nhân và đã thể hiện bằng hành động cụ thể và đúng theo quy định pháp luật. Nhất là phù hợp với Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 25/1/2017 của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội”, ông Tứ khẳng định.


Chỉ thị 03/CT-TTg cũng đã có nhận xét: Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; chưa chủ động dành đủ quỹ đất và còn ít cơ chế khuyến khích hỗ trợ xây dựng và chưa chọn được doanh nghiệp tiêu biểu để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân.

Thậm chí còn hiện tượng một số địa phương chỉ quan tâm thực hiện các dự án phát triển nhà ở thương mại, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp mà không chú ý triển khai các dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân…

Các Bộ, ngành và Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có quyết tâm và xác định việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân là một nhiệm vụ chính trị, trong đó chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân.

P.V/Báo Tin Tức
Tiền Giang: Tạo mọi điều kiện để xây nhà ở cho công nhân
Tiền Giang: Tạo mọi điều kiện để xây nhà ở cho công nhân

Chiều 10/6, tại Tiền Giang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Bùi Văn Cường đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang về triển khai đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN