Công nhân chật vật tìm chỗ ở

Hầu hết công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) đang phải tự đi thuê nhà, thậm chí sống tập trung ở những khu nhà tồi tàn.


Ghép phòng để tiết kiệm


Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Chỉ có khoảng 5% người lao động được lưu trú trong các khu nhà do Nhà nước, doanh nghiệp đầu tư xây dựng, còn lại hàng chục vạn lao động vẫn phải thuê chỗ ở, sống trong các khu nhà tạm bợ, thiếu thốn. Nhiều khu nhà trọ của công nhân không đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu, không an toàn.


 

Một khu nhà trọ cho công nhân tại phường Lái Thiêu, Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Chàng trai quê Yên Thủy (Hòa Bình), Nguyễn Văn Dũng, đang làm thuê cho một doanh nghiệp tại KCN Bắc Thăng Long, trông già hơn tuổi 23 rất nhiều. Dũng tâm sự: Lương của công nhân ở đây chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng, chỉ đủ sống nên phần lớn công nhân thuê nhà trọ ở ghép 2-3 người/phòng để giảm chi phí.


Chị Lê Thị Mai, công nhân KCN Lễ Môn (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Mức thu nhập bình quân của công nhân là 3 triệu đồng/tháng. Tiền thuê nhà khoảng 500.000 - 700.000 đồng/tháng, ngoài ra là tiền điện, nước. Như vậy số tiền còn lại chẳng được là bao nhiêu, trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, nên hầu hết là chung nhau thuê phòng trọ rộng chỉ 10 m2 hội đủ chức năng: Bếp, nơi ăn uống, ngủ nghỉ, như tất cả các phòng trọ công nhân ở các KCN từ Bắc chí Nam.


Theo khảo sát mới đây của HĐND tỉnh Bình Dương: Tổng số công nhân lao động đang làm việc ở Bình Dương là trên 800.000 người, trong đó lao động nhập cư chiếm khoảng 85%. Do mức thu nhập thực tế của nhiều công nhân hiện nay thấp nên đa phần là thuê nhà trọ trong dân để ở. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có hơn 15.500 hộ kinh doanh nhà trọ với tổng số hơn 200.000 phòng. Số lượng người lao động ở trọ là hơn 600.000 lượt người, giá thuê nhà bình quân từ 400.000 - 900.000 đồng/tháng.


Khuyến khích xây nhà cho công nhân


Ông Vũ Tuấn Minh, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) cho biết: Khu kinh tế có 30.000 công nhân, mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Hiện KCN đã có 1 khu chung cư công nhân và mới đây, KCN Lễ Môn (thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn) đã khởi công xây dựng giai đoạn 1 khu nhà ở cho công nhân gồm 3 tòa nhà 5 tầng, đáp ứng chỗ ở cho 1.500 công nhân. Dự kiến khu nhà chung cư này hoàn thành vào năm 2015. Ngoài ra, các công ty trong Khu kinh tế Nghi Sơn còn có thêm các phúc lợi như hỗ trợ cho mỗi công nhân 100.000 đồng/tháng ở cùng gia đình cách xa công ty trên 30 km.


Ông Bùi Thanh Nhân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết: “Thực trạng về nhà ở của người lao động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn là vấn đề cấp thiết cần được giải quyết. Không chỉ thiếu về chỗ ở, thực tế cho thấy hầu hết các KCN còn thiếu các hệ thống hạ tầng xã hội khác như nhà trẻ cho con em người lao động (NLĐ), y tế và giáo dục”. Để giải quyết những bức xúc về nhà ở cho NLĐ, tỉnh Bình Dương đã chấp thuận chủ trương đầu tư và quyết định phê duyệt 50 dự án phát triển nhà ở xã hội (trong đó có 1 dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và 49 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước), tổng mức đầu tư 13.634 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho 179.171 người.


Còn theo lãnh đạo thành phố Hà Nội, thành phố tiếp tục dành sự ưu đãi mở rộng các khu chung cư công nhân tại KCN Bắc Thăng Long, Mê Linh; mở rộng xây dựng hệ thống hạ tầng dịch vụ như chợ, xây dựng hệ thống bệnh xá tại khu vực này.


Theo Bộ Xây dựng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP về một số cơ chế, chính sách, nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho công nhân KCN với nhiều ưu đãi cho các chủ đầu tư dự án nhà ở công nhân như được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp… Tuy nhiên, số dự án xây dựng khu nhà ở cho công nhân rất thấp vì khả năng thu hồi vốn lâu.

 

Xuân Minh - TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN