Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Việt Hương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Trưởng ban tổ chức kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12 đánh giá cao kết quả cuộc thi kỹ năng nghề theo hình thức trực tuyến được tổ chức tại Hội đồng Thi Số 1- Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, Ban Tổ chức kỳ thi đã nỗ lực cùng các đoàn dự thi, các thí sinh, chuyên gia kỹ thuật tổ chức kỳ thi với 30 điểm và 11 nghề được tổ chức theo hình thức trực tuyến và được quản lý bằng công nghệ hiện đại.
"Tác động kép của đại dịch và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa là động lực, cũng là thách thức trong thế giới việc làm. Điều này càng cho thấy vai trò của lao động có kỹ năng, sự chủ động nâng cao kỹ năng nghề nghiệp vốn có của các học viên. Kết quả của kỳ thi là cơ sở để thành lập đội tuyển quốc gia tham gia cuộc thi kỹ năng nghề thế giới được tổ chức tại Thượng Hải (Trung Quốc) thời gian tới - Phó tổng cục trưởng Nguyễn Thị Việt Hương cho biết.
Phó Phó Giáo sư, Tiến sỹ Cao Hồng Phi, Phó Chủ tịch Hội đồng thi quốc gia số 1, Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long nêu rõ: Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức thi kỹ năng nghề theo hình thức trực tuyến trong bối cảnh rất ít quốc gia có thể tổ chức được kể cả ở cấp độ của kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN và thế giới, thực sự là kỳ thi của công nghệ cao chưa từng có trong tiền lệ.
"Kỳ thi Kỹ năng nghề với 11 nghề trực tuyến năm nay có nhiều điểm mới trong công tác tổ chức, đánh giá, giám sát và làm bài thi của thí sinh. Đây là cơ hội để các thí sinh được học tập, trao đổi, rèn luyện kỹ năng số trong học tập, làm việc, tiến tới công dân số, công dân toàn cầu. Kỳ thi đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, tạo sức lan tỏa, khích lệ phong trào rèn luyện, nâng cao kỹ năng nghề trong học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người lao động trong xã hội. Chúng ta đang tiệm cận dần với mô hình tổ chức Kỳ thi Kỹ năng nghề của ASEAN và thế giới" - Phó Giáo sư Cao Hồng Phi khẳng định.
Sau 10 ngày (2/12-12/12) tổ chức thi và chấm điểm theo hình thức trực tuyến, Hội đồng thi số 1 Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia đã lựa chọn được 16 thí sinh đoạt giải Nhất; 11 thí sinh đoạt giải Nhì; 16 thí sinh đoạt giải Ba; 16 thí sinh đoạt giải khuyến khích. Các hội đồng thi đảm bảo các yêu cầu, chấp hành nghiêm những quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Những nét mới nổi bật được thực hiện tại kỳ thi đó là: Các nghề thi theo hình thức trực tuyến và bài thi của thí sinh được số hóa, quản lý, lưu trữ an toàn, bảo mật bởi phần mềm Vnskills do Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long xây dựng, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, xử lý dữ liệu lớn (big data) và các công nghệ hiện đại khác, đảm bảo đáp ứng tốt các tiêu chuẩn về an toàn, an ninh, bảo mật dữ liệu. Đề thi của mỗi nghề đã tiếp cận với trình độ, tiêu chuẩn quốc tế của kỳ thi kỹ năng nghề ASEAN và thế giới.
Công tác quản lý điểm bài thi thí sinh được xử lý trực tuyến bởi phần mềm (CIS) lần đầu áp dụng tại kỳ thi. Công tác coi thi, giám sát kỳ thi kỹ năng nghề được tăng cường, chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt có sự giám sát của công an an ninh chính trị nội bộ (A03) và an ninh mạng, phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05), đảm bảo an toàn, an ninh tuyệt đối. Bên cạnh Ban coi thi, giám sát, kỳ thi có sự giám sát từ xa của Ban tổ chức, Hội đồng thi, Ban giám khảo, cơ quan chức năng, công an và xã hội qua hệ thống camera và các công nghệ giám sát hiện đại, đảm bảo tính khách quan, trung thực, minh bạch của kỳ thi.
Đây cũng là lần đầu thí sinh làm bài thi trên các máy ảo tại một kỳ thi kỹ năng nghề với tốc độ xử lý rất nhanh, dung lượng lưu trữ lớn, đường truyền băng thông rộng. Nhờ đó, các thí sinh dự thi có thể kết nối thông suốt, làm bài tại nhiều điểm khác nhau nhưng vẫn đảm bảo an toàn, bảo mật, sự đồng bộ về trang thiết bị, cấu hình máy tính; đồng thời có cơ hội trình diễn, chia sẻ, học tập, nâng cao kỹ năng của nghề trong đó có kỹ năng số để tự tin trên con đường nghề nghiệp tương lai phía trước.