Chủ động tâm thế chống dịch COVID-19

Trước những diễn biến mới về tình hình dịch COVID-19, nhiều người dân Hà Nội và một số doanh nghiệp đã chuẩn bị kế hoạch làm việc, học tập cho con em hay sinh hoạt hàng ngày để góp phần chủ động phòng chống, ngăn chặn dịch lây lan.

Chú thích ảnh
Học sinh trường Tiểu học Vinschool (Hà Nội) học trực tuyến tại nhà. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Trong mấy ngày này, bà Nguyễn Thị Thảo, 64 tuổi (phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm) bắt đầu làm quen với điện thoại thông minh; không phải để nhắn tin, gọi điện thông thường hay nghe nhạc; mà là để tập đi chợ, mua hàng bằng phương thức thương mại điện tử như cách mà người thân trong gia đình thường nói. 

Bà Thảo cho biết, cũng không quá khó và phức tạp như tưởng tượng vì nhiều ứng dụng đã được cài đặt sẵn như VinID, Now, Shopee... Chỉ cần đăng nhập và chọn món hàng mình cần, số lượng và địa chỉ giao hàng. Chỉ trong "một nốt nhạc" là hoàn tất đơn hàng. Cho dù chỉ là 300 gram rau xanh hay 1kg trái cây; thậm chí vài lạng thịt, cá, thực phẩm... cũng sẽ được các nhà cung cấp giao tận nhà với sự hỗ trợ của công nghệ và đội ngũ giao nhận vận chuyển. Linh hoạt hơn trong việc thanh toán, đặc biệt là với nhưng người lớn tuổi, nhiều nhà cung cấp chấp nhận hình thức "thu tiền mặt" thay vì phải có tài khoản ngân hàng hay thẻ tín dụng như trước đây. 

Bằng sự đổi mới tư duy, ứng dụng sáng tạo trong công nghệ... nhiều nền tảng giúp khách hàng "đi chợ" đã tích hợp nhiều loại hình dịch vụ cung cấp như: đồ ăn uống, siêu thị thực phẩm, hoa sinh nhật, chăm sóc thú cưng, thuốc men y tế, giúp việc gia đình, đặt bàn nhà hàng hay đặt phòng khách sạn, ưu đãi với các đối tác hay chương trình khuyến mãi hôm nay...

Những tiện ích ấy đang thể hiện hết khả năng cạnh tranh của các nhà cung cấp và cũng giúp tăng thêm cơ hội lựa chọn đối với khách hàng. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có xu hướng tái bùng phát ở những đô thị lớn và một số tỉnh, thành phố như hiện nay thì nỗ lực ấy của các nhà cung cấp đang thực sự có ý nghĩa quan trọng, giúp người dân yên tâm "ở nhà" để chống dịch; hỗ trợ các cấp chính quyền trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Bà Thảo bày tỏ ghi nhận sự cố gắng của những doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang tham gia cung cấp dịch vụ trên các nền tảng số. Thời điểm này cũng mới thấy rõ được sự ưu việt của các phương tiện điện tử, các loại điện thoại thông minh. Công nghệ hiện đại đã được phát huy tối đa để đem lại sự thuận tiện, thoải mái và an toàn cho người dân trong lúc dịch bệnh tiếp tục lây lan.

Chị Trần Phương Nga, CEO Công ty TNHH MTV Tư vấn Bất động sản Viko Housing cho hay, dù đang trong kỳ nghỉ Tết và chưa đi làm trở lại song nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ chưa thể tái khởi động nếu tình hình COVID-19 chưa được kiểm soát tốt hơn hiện nay. Việc quan trọng đầu tiên lúc này là chưa nghĩ ra cách nào và làm sao để thanh toán lương tháng 2 cho nhân viên, chưa kể các khoản chi phí khác như thuê văn phòng... Tuy nhiên, việc phòng chống dịch triệt để mới mong ngăn chặn và đẩy lùi được dịch bệnh. 

Cũng như nhiều bạn đồng niên trong cộng đồng 9194 các trường phổ thông trung học toàn Hà Nội, anh Mai Chí Trung đã chủ động đầu tư khá nhiều thiết bị điện tử gồm máy tính, điện thoại, máy tính bảng chưa kể tivi để phục vụ việc học hành, giải trí và làm việc trực tuyến trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, anh Trung đang gặp phải một số khó khăn trong quá trình sử dụng đường truyền của các nhà mạng, do sự hạn chế về băng thông tần số khiến chất lượng hình ảnh không được như mong muốn nếu ở khung giờ cao điểm hay cùng lúc có quá nhiều thiết bị cần truy cập.

Đây là việc mà người dân khó có thể chủ động tự xử lý nếu không có sự hỗ trợ của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Hay như việc bị giới hạn thời gian học tập trên nền tảng Zoom của các bậc tiểu học đang khiến các thầy cô giáo và các em học sinh lúng túng trong quá trình dạy và học. Theo anh Trung, cần dành sự ưu tiên đặc biệt cho người dân vào lúc này cả về chi phí, chất lượng dịch vụ để đảm bảo việc học tập, làm việc được duy trì ổn định để an tâm chống dịch.

Ngọc Quỳnh (TTXVN)
Thái Bình chấn chỉnh việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19
Thái Bình chấn chỉnh việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 16/2, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Công văn số 571 về việc chấn chỉnh, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 sau Tết Nguyên đán.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN