Để ngăn chặn tình trạng này, từ nguồn vốn khắc phục hậu quả lũ lụt năm 2023, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư xây kè bảo vệ, chống sạt lở bằng giải pháp xây dựng mỏ hàn trên sông. Khi đưa vào sử dụng, hơn 4 km bờ sông với hàng nghìn ha đất canh tác và hàng trăm hộ sinh sống bên trong tuyến kè thuộc hai xã nói trên thường xuyên bị đe dọa sạt lở trong mùa mưa lũ sẽ được bảo vệ an toàn.
Dòng nước sông Thu Bồn êm đềm trong mùa hè, song dâng cao và chảy xiết vào mùa mưa lũ. Khi chảy qua địa phận các xã Duy Tân, Duy Thu, huyện Duy Xuyên, dòng nước sông Thu Bồn tạo ra nhiều vùng xoáy vào bờ là nguyên nhân gây ra sạt lở. Nhiều đoạn nước sông lấn sâu vào sát chân Quốc lộ 14H, tỉnh lộ ĐT 10 và khu dân cư, gây sạt lở nghiêm trọng về hoa màu, tài sản của người dân. Nhiều năm qua, người dân sống trong khu vực chọn giải pháp trồng tre, cỏ, đóng cọc để giữ đất, giữ nhà. Song đây cũng chỉ là những giải pháp tình thế.
Có nhà ở gần sông Thu Bồn, bà Lê Thị Út, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên chia sẻ, vào mùa mưa, nước lũ từ thượng nguồn đổ về, gây ngập nặng, nước lũ rút cuốn theo nhiều diện tích đất và hoa màu. Bây giờ, dọc bờ sông, nhà nước xây kè, cuộc sống của bà con sẽ ổn định hơn nên ai cũng mừng.
Mùa mưa lũ năm nào cũng vậy, khu vực vùng nước xoáy thuộc địa phận hai xã Duy Tân và Duy Thu luôn bị sạt lở nặng. Ông Hồ Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên cho biết, sông Thu Bồn là con sông lớn của tỉnh. Vào mùa mưa, lưu lượng nước rất lớn, gây sạt lở nặng ở hai bên bờ sông, nhất là hai xã Duy Thu và Duy Tân. Hằng năm, địa phương phát động nhân dân trồng tre, cỏ để giữ làng nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Vì vậy, được đầu tư tuyến kè khẩn cấp chống sạt lở bà con rất phấn khởi và ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để thi công. Nơi nào công trình có lấn ít nhiều vào phần diện tích đất vườn, bà con vui vẻ đồng thuận.
Thường xuyên có mặt trên công trình, kỹ sư Nguyễn Đức Hải, Trưởng phòng quản lý dự án 1, thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết, kè chống sạt lở khẩn cấp sông Thu Bồn, đoạn qua địa phận hai xã Duy Tân và Duy Thu, huyện Duy Xuyên là công trình chống sạt lở bờ sông bằng giải pháp mỏ hàn để hướng dòng chảy ra phía lòng sông, hạn chế dòng nước xoáy thẳng vào bờ.
Theo đó, trên đoạn bờ sông dài hơn 4,1km, có 24 mỏ hàn được xây dựng ở những đoạn đã sạt lở và có nguy cơ tiếp tục sạt lở. Tại những vị trí này, gốc các mỏ hàn được bố trí tiếp giáp với bờ sông, thân mỏ hàn vươn ra dòng sông để hướng dòng chảy về phía đầu mỏ hàn, hạn chế dòng nước xoáy vào bờ là nguyên nhân chính gây ra sạt lở bờ sông trong nhiều năm qua.
“Dự án khắc phục sạt lở khẩn cấp bờ sông Thu Bồn là một trong 3 dự án khắc phục hậu quả thiên tai trong năm 2023 đang được Ban quản lý dự án đầu tư xây đựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam triển khai xây dựng. Để đảo bảo công trình đưa vào sử dụng trước mùa mưa lũ năm 2024, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị thi công tranh thủ thời tiết thuận lợi, tăng cường nhân lực, thiết bị, đẩy nhanh tiến độ thi công. Đối với những hạng mục chính, phải hoàn thành trước ngày 15/10, các hạng mục phụ trợ còn lại hoàn thành trước tháng 12/2024", kỹ sư Nguyễn Đức Hải chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên Đặng Hữu Phúc, tình trạng sạt lở đất ven sông diễn ra hàng năm gây bức xúc đối với người dân ở hai xã Duy Thu và Duy Tân trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, do nguồn lực của địa phương có hạn nên việc đầu tư kè kiên cố chống sạt lở bờ sông, bảo vệ đất sản xuất và khu dân cư chưa được thực hiện. Với khả năng của mình, hằng năm, huyện Duy Xuyên hỗ trợ bà con trồng tre, cỏ, đóng cọc, bao phên để giữ đất, bảo vệ nhà cửa. Công trình chống sạt lở được tỉnh đầu tư xây dựng là niềm vui lớn với chính quyền và người dân địa phương. Bà con mong muốn, các đơn vị thi công vừa đảm bảo đưa vào sử dụng trước mùa mưa lũ, vừa đảm bảo chất lượng và kỹ thuật để công trình ổn định lâu dài.
Tuyến kè sông Thu Bồn với hệ thống mỏ hàn sẽ có tác dụng ổn định bờ, ngăn chặn hiệu quả tình trạng sạt lở đất sản xuất, bảo vệ an toàn cho khu dân cư. Đây chính là niềm mong mỏi của người dân ở vùng thường xuyên bị ngập lũ và sạt lở đất ven sông thuộc hai xã Duy Thu và Duy Tân nhiều năm qua.