Để chủ động ứng phó với cơn bão số 2 và mưa lũ, trong sáng 22/7, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn có công điện yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, ngập lụt. Từ đó, các đơn vị triển khai ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân; chủ động sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là các hộ dân tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét... Các địa phương bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố ven biển phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện bao gồm cả tàu du lịch còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; có biện pháp bảo đảm an toàn đối với hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, ven bờ...
Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Thanh Hóa, mưa lớn kéo dài trong những ngày qua khiến lượng nước tích lũy trong đất của một số khu vực thuộc các huyện miền núi ở Thanh Hóa như Mường Lát, Lang Chánh, Quan Sơn… gần đạt bão hòa (trên 80%) hoặc đạt trạng thái bão hòa. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá, sụt lún tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Lũ quét, sạt lở, sụt lún đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng, tài sản của người dân, phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, kinh tế - xã hội, gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện.
Tại huyện miền núi Lang Chánh đã xuất hiện nhiều vết nứt mới tại khu vực đồi Na Lo (xã Tân Phúc) và khu vực dốc Sáp Ong (giáp ranh giữa xã Đồng Lương và xã Tân Phúc), nguy cơ sạt lở nghiêm trọng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đặc biệt, vị trí có nguy cơ sạt lở nằm ngay trên tuyến Quốc lộ 15A - là tuyến đường có nhiều phương tiện lưu thông qua lại. Tại nhiều vị trí, tình trạng sụt lún, sạt lở ta-luy dương đã vùi lấp đi một phần rãnh thoát nước thuộc Quốc lộ 15A.
Ông Lê Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh cho biết: "Để chủ động ứng phó, UBND huyện Lang Chánh đã chỉ đạo lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đặt biển cảnh báo ở hai đầu vị trí sạt lở trên Quốc lộ 15A, đồng thời tổ chức di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm… Người dân và chính quyền địa phương rất mong, các ngành chức năng sớm vào cuộc xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở tại khu vực đồi, núi thuộc dốc Sáp Ong, đồi Na Lo, đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện khi lưu thông trên tuyến quốc lộ 15A".
Thông tin từ huyện miền núi Quan Hóa cho biết, trong chiều 21/7, tại bản Chiềng Hin, xã Hiền Kiệt xảy ra vụ sạt lở đất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình ông Hà Văn Lương. Chính quyền địa phương đã vận động, di dời gia đình ông Lương ra khỏi vùng nguy hiểm, đồng thời tổ chức lực lượng hỗ trợ hộ dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Dự báo, từ đêm 22 - 24/7, khu vực tỉnh Thanh Hóa có khả năng xảy ra mưa vừa, có nơi mưa to và dông. Lượng mưa phổ biến từ 50 - 100mm, có nơi trên 100mm.