Hội thảo có sự tham dự của đông đảo đại biểu đến từ các bộ, ngành, cơ quan trung ương; các đối tác quốc tế, cơ quan nghiên cứu, báo chí, các tổ chức chính trị, xã hội- nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, trong đó có các tổ chức do người đồng tính, song tính lãnh đạo.
Phát biểu khai mạc, Trợ lý Bộ trưởng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, trong đó có các quyền tự do cơ bản được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 và những văn bản pháp luật liên quan.
Như thông điệp ứng cử của Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã khẳng định, Việt Nam muốn cùng phấn đấu, thông qua hợp tác và đối thoại, vì mục tiêu “Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người”. Điều này được thể hiện qua sự tham gia của Việt Nam tại Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, trong đó bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, chống phân biệt đối xử là những nội dung trọng tâm. Tại chu kỳ 2 và 3, Việt Nam đã chấp nhận và triển khai nhiều khuyến nghị liên quan đến chống phân biệt đối xử và bạo lực dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới.
Theo bà Lê Thị Thu Hằng, đến nay, Việt Nam đã và đang tiến hành cải cách pháp luật, hướng tới việc tạo một hành lang pháp lý phù hợp nhằm chống mọi hình thức phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới. Đáng chú ý, Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 đã loại bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính”, Bộ luật Dân sự 2015 đã có quy định “quyền xác định lại giới tính”. Hiện nay, các cơ quan hữu quan của Việt Nam đang nghiên cứu và tiến hành tham vấn để xây dựng dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính và dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi của Việt Nam.
Có thể nói, vấn đề chống phân biệt đối xử và bạo lực dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới đang ngày càng nhận được nhiều quan tâm hơn trong quá trình hoàn thiện và triển khai các khuôn khổ pháp luật về quyền con người tại Việt Nam, nhằm bảo đảm tính bao trùm và bình đẳng. Trên bình diện xã hội, thực tế ở Việt Nam cũng đang chứng kiến những bước chuyển khá lớn về nhận thức của người dân về chống phân biệt đối xử và bạo lực dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới nếu so với giai đoạn khoảng 8 đến 10 năm về trước.
“Người dân Việt Nam ngày càng cởi mở và có cái nhìn cân bằng hơn; chủ đề này đang được thảo luận và thể hiện ngày càng rộng rãi và đa dạng hơn về cả nội dung và hình thức. Cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới từ đó đang có sự hiện diện rõ ràng hơn trong xã hội. Số người đồng tính, song tính và chuyển giới công khai xu hướng tính dục của mình ngày càng gia tăng. Vai trò của họ, đặc biệt trong những lĩnh vực sáng tạo và nghệ thuật được ghi nhận”, bà Lê Thị Thu Hằng nhận định.
Cũng theo Trợ lý Bộ trưởng Lê Thị Thu Hằng, tại Việt Nam, nhiều hoạt động tăng cường nhận thức xã hội, lễ hội, kỷ niệm liên quan tới nội dung quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới được các tổ chức phi chính phủ tổ chức, thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều tầng lớp xã hội. Các tổ chức phi chính phủ, trong đó có những tổ chức do người đồng tính, song tính và chuyển giới lãnh đạo, đã tích cực tham gia vào quá trình cải cách, xây dựng chính sách và pháp luật liên quan.
Bà Lê Thị Thu Hằng cho rằng, Hội thảo lần này có ý nghĩa quan trọng, mở ra cơ hội chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt, lắng nghe ý kiến đóng góp của các đối tác, bạn bè quốc tế, các tổ chức chính trị-xã hội, nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ và chuyên gia trong lĩnh vực chống bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới. “Cũng như thông điệp ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền của chúng tôi đã khẳng định, chúng tôi tin rằng các quan tâm chung về quyền con người có thể được thúc đẩy tốt nhất thông qua tôn trọng và hiểu biết, hợp tác và đối thoại”, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Cùng phát biểu khai mạc, quyền Điều Phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen hoan nghênh những bước tiến và nỗ lực của Việt Nam trong vấn đề này; trong đó có vai trò rất lớn của ý chí chính trị từ các cơ quan Chính phủ cùng sự tham gia, phối hợp của các tổ chức phi chính phủ trong thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBTI). Đánh giá cao những nỗ lực cải cách pháp luật của Việt Nam nhằm bảo đảm tốt hơn quyền của người LGBTI và mong muốn cộng đồng LGBTI được tạo điều kiện hơn nữa để tham gia vào quá trình này, bà Caitlin Wiesen cho rằng, việc chấp thuận và triển khai các khuyến nghị UPR liên quan chống phân biệt đối xử và bạo lực dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới cũng thể hiện cam kết của Việt Nam. Bà cũng đánh giá cao những khuyến nghị của Việt Nam với các nội dung, thành tựu và cả thách thức liên quan đến vấn đề này trong Báo cáo quốc gia thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ IV sắp tới.
Tại Hội thảo, các diễn giả, trong đó có các Đại sứ Na Uy, Cuba, Argentina, Nam Phi tại Việt Nam, Đặc phái viên Hoa Kỳ về LGBTI, Trưởng nhóm HIV và Y tế của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam đã có nhiều chia sẻ về kinh nghiệm, bài học của các nước về chống phân biệt đối xử và bạo lực trên cơ sở xu hướng tính dục, bản dạng giới cũng như các tiêu chuẩn về chống phân biệt đối xử liên quan trong các công ước quốc tế về quyền con người; những khuyến nghị, định hướng của các tổ chức quốc tế trong vấn đề này. Các đại biểu quốc tế cũng đánh giá cao những nỗ lực, thành tựu, cam kết của Việt Nam và khẳng định mong muốn tiếp tục cùng với Việt Nam “học hỏi lẫn nhau, làm việc cùng nhau” để thúc đẩy quan tâm chung trong lĩnh vực này.
Các diễn giả đại diện cho Viện Quyền con người – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, các bộ, ngành liên quan đã giới thiệu những thông tin cập nhật về chủ trương, chính sách, những cam kết, nỗ lực cũng như thách thức và nhu cầu hợp tác của Việt Nam trong vấn đề này. Theo đó, các diễn giả cho rằng, cần tiếp tục cập nhật và triển khai hiệu quả các văn bản chính sách, pháp luật, chiến lược phát triển liên quan, đẩy mạnh công tác giáo dục về quyền con người, trong đó có vấn đề chống phân biệt đối xử. Các tổ chức nghiên cứu, xã hội, phi chính phủ trong đó có một số tổ chức do người đồng tính, song tính, chuyển giới, liên giới tính Việt Nam lãnh đạo cũng đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo quốc tế, coi đây là cơ hội để các cơ quan của Việt Nam và đối tác phát triển tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho các bên liên quan được tham gia đóng góp ý kiến cho việc xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật.
Hội thảo quốc tế “Chống bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dụng và bản dạng giới: Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam” là một phần của các hoạt động hợp tác về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người giữa Việt Nam với các cơ quan phát triển Liên hợp quốc, được tiến hành hiệu quả trong nhiều năm qua; đặc biệt là gắn với tiến trình Việt Nam tham gia Cơ chế UPR của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và gia nhập, triển khai các Công ước quốc tế về quyền con người.