Tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết: Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 và thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội thứ XV. Ủy ban Xã hội là cơ quan chủ trì việc thẩm tra dự án Luật này, đặc biệt là việc lấy ý kiến góp ý từ thực tiễn trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại các địa phương nhằm nắm bắt thông tin về việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương; đồng thời, tạo diễn dàn cung cấp thông tin, trao đổi thảo luận, góp ý kiến làm cơ sở để Ủy ban Xã hội thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật.
Tại Hội nghị, các đại biểu đóng góp trực tiếp vào các nội dung cụ thể như: Khái quát về kết quả thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; những bất cập trong quá trình tổ chức thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương…
Báo cáo tình hình bạo lực gia đình tại địa phương, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân cho biết, từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh có 2009 vụ bạo lực gia đình, trong đó, bạo lực thân thể là 1.133 vụ, bạo lực tinh thần là 748 vụ, bạo lực tình dục là 27 vụ, bạo lực kinh tế là 101 vụ. Số vụ bạo lực có xu hướng giảm qua các năm. Tuy nhiên, đối tượng gây ra bạo lực gia đình đa số là nam giới và nạn nhân là phụ nữ, người già, trẻ em - những đối tượng yếu thế cần pháp luật bảo vệ. Điều đáng nói, hầu hết những người bị bạo lực không tìm đến sự trợ giúp của chính quyền, cơ quan chức năng và các tổ chức đoàn thể cơ sở khi xảy ra vấn đề bạo lực.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân Chi, huyện Tiên Du Nguyễn Phụng Nghĩa: Trong năm 2021, tại địa bàn xã xảy ra 2 vụ bạo lực gia đình, trong đó 1 vụ đã tổ chức hòa giải, 1 vụ Công an xã lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm hại sức khỏe thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống bạo lực gia đình thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn, việc nhận diện, phát hiện, thu thập báo cáo chưa khách quan, kịp thời. Cộng đồng xã hội chưa thể hiện thái độ phê phán kiên quyết, mạnh mẽ đối với những người gây ra bạo lực gia đình và xem đó là việc nội bộ của mỗi gia đình, nhiều nạn nhân còn e ngại không tố giác.
Để công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong thời gian tới tiếp tục đạt được hiệu quả cao hơn nữa, ông Nghĩa đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể chỉ đạo sâu sát, kịp thời; rà soát các hành vi vi quy phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình để xác định hình thức xử phạt hợp lý. Các cấp, ngành cần kịp thời biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trong lĩnh vực này…
Phó Chủ tịch UBND xã Nội Duệ, huyện Tiên Du Trần Trung Dũng đề nghị cần mở rộng khái niệm đối tượng bị bạo lực gia đình, người có hành vi bạo lực gia đình trong Chương I của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), thêm đối tượng trẻ em vì trẻ em rất dễ bị tổn thương, lạm dụng, bạo lực. Trong Chương 2, ông Dũng đề nghị sửa đổi các quy định về tư vấn, hòa giải cần rõ rằng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho cá nhân, tổ chức tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình; bổ sung quy định giảng hòa về phòng, chống bạo lực gia đình và cần có chế tài cụ thể để xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình, thực hiện yêu cầu cam kết và chịu sự giám sát để phòng ngừa tái diễn. Tại Chương 3 quy định các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ trong phòng, chống bạo lực gia đình cần sửa đổi, bổ sung quy định về báo tin, tố giác về bạo lực gia đình…
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 chương, 62 điều; so với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, tăng 16 điều; trong đó, sửa đổi, bổ sung 35 điều, quy định mới 27 điều.