Theo Cục Hàng không Việt Nam, số lượng máy bay đang khai thác hiện giảm khoảng 40 - 45 chiếc các loại so với bình quân số máy bay khai thác trong năm 2023.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm số lượng máy bay của các hãng hàng không nội địa được chỉ ra là nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney (PW) đã thực hiện triệu hồi động cơ PW1100 để kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu, nhằm khắc phục lỗi sản xuất (ước tính có thể ảnh hưởng đến 600 - 700 động cơ PW1100 đang khai thác của các đội bay hoạt động trên thế giới).
Tại Việt Nam, các động cơ này đang được sử dụng trên các máy bay A321NEO khai thác bởi Vietnam Airlines, Vietjet, khiến một số máy bay phải dừng khai thác trong năm 2024 - 2025 (thời điểm dừng máy bay bắt đầu từ tháng 1/2024). Thời gian triệu hồi sửa chữa có thể kéo dài từ 140 - 160 ngày, thậm chí lên đến 365 ngày.
Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, giá thuê động cơ đối với Airbus A321 là 48.000 - 50.000 USD/tháng vào năm 2019, hiện tăng lên 80.000 - 100.000 USD/tháng năm 2024; giá thuê máy bay Boeing B-787 là 160.000 USD/tháng năm 2022, hiện tăng lên 370.000 USD/tháng năm 2024. Giá phụ tùng vật tư tăng từ 10 - 13% so với thời điểm trước năm 2019. Thực tế này cũng khiến các hãng hàng không cân nhắc việc thuê thêm máy bay.
Để xử lý tình trạng thiếu hụt máy bay và đáp ứng nhu cầu thị trường, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các hãng hàng không chủ động kế hoạch khai thác và có phương án dự phòng bổ sung số lượng máy bay bị thiếu hụt do dừng bay; đồng thời, yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát lại các quy trình để giảm thời gian quay đầu máy bay tại sân bay (cố gắng từ 45 xuống còn 35 phút), tăng thời gian bay đêm và đưa máy bay thân rộng vào khai thác.