Theo rà soát của CHKVN, từ đầu năm đến nay, giá vé trung bình hạng phổ thông trên một số đường bay (giá đã bao gồm thuế, phí) của các hãng hàng không nội địa đều tăng.
Cụ thể, với đường bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, giá vé trung bình của Vietnam Airlines khoảng 2,64 triệu đồng (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023), Vietjet Air khoảng 1,74 triệu đồng (tăng 25%), Bamboo Airways khoảng 2 triệu đồng (tăng 11%) và Vietravel Airlines khoảng 1,5 triệu đồng (tăng 15%).
Như vậy, so với mức giá tối đa theo quy định (3,4 triệu đồng, chưa bao gồm thuế, phí), mức giá vé trung bình này của các hãng hàng không Việt Nam chỉ ở mức từ 44,1 - 77, 6%.
Đường bay từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đi/đến Đà Nẵng, giá vé trung bình của Vietnam Airlines khoảng 1,8 triệu đồng/đường bay (tăng từ 17 - 26%), Vietjet khoảng 1,3 - 1,5 triệu đồng/đường bay (tăng từ 32 - 38%), Bamboo Airways khoảng 1,3 - 1,6 triệu đồng/đường bay (tăng từ 13 - 29%) và Vietravel Airlines khoảng 1,1 - 1,4 triệu đồng/đường bay (tăng từ 14 - 20%). So với mức giá tối đa theo quy định (2,89 triệu đồng, chưa bao gồm thuế, phí), mức giá vé trung bình này của các hãng chỉ ở mức từ 38,1 - 62,3%.
Đối với đường bay từ Hà Nội - Phú Quốc, giá vé trung bình của Vietnam Airlines khoảng 2,7 triệu đồng (tăng 13,8%), Vietjet xấp xỉ 1,8 triệu đồng (tăng 49,6%). So với mức giá tối đa theo quy định (4 triệu đồng, chưa bao gồm thuế, phí) mức giá vé trung bình này của các hãng chỉ ở mức từ 45 - 68%. Hay đường bay từ Hà Nội - Nha Trang, mức giá vé trung bình của các hãng cũng chỉ bằng khoảng 42,6 - 60,8% so với mức tối đa theo quy định (3,4 triệu đồng, chưa bao gồm thuế, phí).
Thống kê trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng cao. Ngoài số hành khách đặt sớm có thể mua được vé máy bay ở dải giá thấp, số còn lại đặt muộn, sát ngày bay thì phải trả tiền mua cao hơn. Đối với các đường bay sớm lấp đầy, việc mua được vé sẽ khó khăn hơn và giá vé sẽ cao hơn. So sánh giá vé máy bay nội địa và một số nước trên thế giới, trong khu vực Đông Nam Á, mức giá vé máy bay của Việt Nam tương đương hoặc thấp hơn.
Trước thực tế này, CHKVN đã quyết định kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay của các hãng hàng không nội địa từ ngày 7 - 9/5, thời gian kiểm tra tính từ ngày 1/1/2024 đến nay.
Trước đó, Bộ GTVT đã yêu cầu CHKVN, Vụ Vận tải rà soát, kiểm tra giá vé máy bay, nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm soát chặt giá vé máy bay, góp phần bình ổn giá, đảm bảo hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và công khai, minh bạch thông tin về giá vé máy bay của các hãng hàng không.
Thực tế, trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, giá vé máy bay tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu đi lại của người dân, nhất là trong dịp cao điểm. Lý giải vấn đề này, CHKVN thông tin, đây là xu hướng chung trên thế giới do chịu tác động bởi các nguyên nhân chính như giá nhiên liệu tăng cao; chênh lệch tỷ giá ngoại tệ; việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất tác động đến việc giảm đội máy bay khai thác của các hãng hàng không; giá thuê máy bay tăng cao...
Hiện nay, theo số liệu cập nhật của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), giá nhiên liệu Jet A1 khu vực châu Á ngày 26/4 là 100,25 USD/thùng. Theo tính toán, với biến động của giá Jet A1 và tỷ giá USD/VND, chi phí nhiên liệu tháng 4/2024 của các hãng hàng không tăng 56,55% so với tháng 12/2014 và tăng 74,27% so với tháng 9/2015. Điều này tác động làm tổng chi phí tăng 37,66% so với tháng 12/2014 và tăng 53,24% so với tháng 8/2015 (thời điểm ban hành quy định về khung giá vận chuyển trên chặng bay nội địa).
Tháng 4/2024, giá nhiên liệu bay Jet A1 khu vực châu Á là 100,25 USD/thùng, tương đương mức giá giai đoạn tháng 4/2023 (100,17 USD/thùng). Tuy nhiên, tỷ giá giai đoạn tháng 4/2024 (1 USD = 25.454 VND) biến động tăng 8% so với tháng 4/2023 (1 USD = 23.620 VND). Với tỷ trọng các chi phí có gốc ngoại tệ của các hãng hàng không chiếm khoảng 75% tổng chi phí, chỉ tính riêng biến động của tỷ giá đã khiến chi phí của các hãng hàng không tăng gần 6% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, do nhiều chi phí vận hành hoạt động của hãng hàng không đang thuê máy bay, giá điều hành bay quốc tế… được thanh toán bằng ngoại tệ, dẫn đến tăng chi phí cho các hãng hàng không. Ngoài ra, do nhà sản xuất triệu hồi động cơ để kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu, đã làm giảm đội máy bay khai thác. Đến ngày 2/5, tổng số máy bay của các hãng hàng không nội địa là 199 chiếc, giảm 32 chiếc so với năm 2023. Trong đó, số lượng máy bay đang khai thác thực tế dao động từ 165 - 170 chiếc, giảm khoảng 40 - 45 chiếc so với bình quân khai thác trong năm 2023.
Việc giảm cung vận tải nội địa do giảm máy bay đã ảnh hưởng đến biến động giá vé, đặc biệt trong thời điểm cầu vận chuyển hàng không tăng cao do nhu cầu đi lại của hành khách tăng vào các dịp lễ, Tết. Điều này gây áp lực nhất định lên giá vé trên các chặng bay nội địa, nhất là các chặng bay đến các điểm du lịch, nghỉ dưỡng...
Để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến hoạt động khai thác và đáp ứng nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không của hành khách, từ đầu năm đến nay, CHKVN đã triển khai các giải pháp tăng tần suất khai thác, tăng cường hoạt động bay vào các khung giờ đêm tại các cảng hàng không, sân bay đủ điều kiện; đồng thời, ban hành các quyết định điều chỉnh, nâng tham số slot phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng hàng không khai thác hiệu quả, tăng số lượng chuyến bay và tải cung ứng trên các đường bay.
Riêng tại hai Sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, tham số slot đã được điều chỉnh tăng với cả khung giờ ban ngày và khung giờ ban đêm để chuẩn bị sẵn sàng trước khi bắt đầu giai đoạn cao điểm dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5/2024.
CHKVN cũng đã chỉ đạo các cảng hàng không, đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không đảm bảo nguồn nhân lực và phối hợp các hãng trong việc phục vụ các chuyến bay, đặc biệt là các chuyến bay vào các khung giờ đêm, tạo điều kiện để các hãng duy trì ổn định tần suất bay an toàn.