Quỹ Phát triển Khoa học công nghệ của doanh nghiệp được đề cập lần đầu tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008, sau đó là Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017. Mục đích của Quỹ là nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, qua đó nâng cao sức cạnh tranh và đóng góp nhiều hơn cho phát triển đất nước.
Tuy nhiên, việc sử dụng Quỹ này chưa được như kỳ vọng. Bà Nguyễn Thị Ngọc Khánh, Trưởng phòng nghiệp vụ 4, Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết: "Tình hình trích lập việc sử dụng quỹ có những lo ngại nhất định, đặc biệt trong số trích lập chủ yếu là khu vực doanh nghiệp nhà nước. Khu vực doanh nghiệp nhà nước có hiện tượng trích lập lớn hơn số sử dụng quỹ. Đơn cử như tại VNPT, mức sử dụng quỹ chỉ khoảng 10%, sử dụng 90 tỷ trong 842 tỷ đồng. Chúng tôi đã có khảo sát về việc sử dụng quỹ tại các doanh nghiệp nhà nước, và ngạc nhiên khi chỉ có 11,3% doanh nghiệp Nhà nước có nhu cầu sử dụng quỹ này. Xét về bản chất, quỹ này "lưỡng tính" vì hình thành từ nguồn lực của doanh nghiệp, nhưng đang được dùng một phần vào mục tiêu quốc gia. Quỹ được quản trị theo cách phối hợp giữa nguồn lực của nhà nước dành cho doanh nghiệp và nguồn lực của doanh nghiệp".
Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 05, trong đó bổ sung những nội dung chi mới cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, mới dừng ở nội dung chi, còn với quy trình quỹ hiện nay vẫn tiếp cận như nhiệm vụ khoa học - công nghệ. Một nhiệm vụ khoa học - công nghệ đặc biệt về đổi mới sáng tạo cần nhanh, thậm chí không thể theo quy trình bình thường. Nếu thời gian xét duyệt hoàn thiện như một đề tài khoa học có thể dẫn tới việc trôi qua cơ hội đầu tư.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng: Thực tế cho thấy, Quỹ chưa phát huy được vai trò và hiệu quả, chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. Để tháo gỡ tình trạng trên, lãnh đạo Quốc hội đã giao nhiệm vụ cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiến hành giám sát nhằm sớm đưa ra kiến nghị phù hợp. Qua thực tế giám sát, Ủy ban thấy rằng từ 2011-2019 đã có 618 doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty tại 58 tỉnh, thành phố trích lập và sử dụng Quỹ, với mức trích là 22 nghìn tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD). Số liệu này cho thấy 2 vấn đề: Số doanh nghiệp trích Quỹ vẫn thấp, chỉ chiếm 0,02% chưa đạt cận dưới của quy định (quy định là 3%). Việc giải ngân các nguồn lực đã trích chưa đạt 40%. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp không giải ngân hết, phải tiến hành hoàn nhập quỹ.
Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng: Quỹ đổi mới khoa học công nghệ không phải là nguồn chi duy nhất cho khoa học công nghệ của doanh nghiệp. Tỷ lệ chi đã thay đổi giữa nhà nước và doanh nghiệp, từ 80-20% lên 52-48%. Con số này dựa trên những lần điều tra ở cấp quốc gia theo từng năm. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp quan tâm nhiều tới đổi mới khoa học công nghệ nhưng không chi qua cơ chế quỹ, hoặc cơ chế quỹ chưa hấp dẫn.
Từ năm 2015 - 2021, chỉ có 1.281 lượt trích quỹ. Trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, những doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu và có doanh thu trước thuế để trích quỹ có lẽ không quá nhiều. Quan điểm của Bộ Khoa học và Công nghệ là: Quỹ không ưu tiên việc khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mà là sự đổi mới công nghệ để tạo ra sự chuyển biến về vận hành, sản xuất, giá trị hàng hóa và nâng cao sức mạnh của doanh nghiệp. “Tôi cho rằng, không nhiều đơn vị sử dụng quỹ này cho công tác nghiên cứu mà sử dụng để có được những công nghệ “lõi”, làm thay đổi quy trình sản xuất và nâng cao nội lực của doanh nghiệp. Đây chính là điều đang vướng mắc trong Nghị định 05 và 67”, ông Nguyễn Nam Hải cho biết.
"Do đó, một trong những điểm cần tháo gỡ nữa của Nghị định này là nhà nước không can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp trong sử dụng nguồn chi. Doanh nghiệp có quyền chi tiêu theo nguyên tắc chi tiêu nội bộ theo quy chế hoạt động doanh nghiệp", ông Nguyễn Hải Nam đề xuất.