Ứng dụng AirVisual (sản phẩm của Tổ chức IQAir sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về chất lượng không khí, có trụ sở chính tại Thụy Sỹ) cho thấy, chất lượng không khí ở cả 3 miền hầu hết ở mức vàng (chấp nhận được) và mức xanh (tốt cho sức khoẻ).
Theo thang bảng đo chỉ số chất lượng không khí (AQI) của ứng dụng AirVisual, trong số 94 thành phố của nhiều quốc gia trên thế giới được quan trắc, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều ở mức xanh, tương ứng đứng thứ 54 với chỉ số AQI ở mức 48 và đứng thứ 50 với chỉ số AQI ở mức 50.
Trên bản đồ quan trắc chỉ số chất lượng không khí của ứng dụng PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, do Công ty Cổ phần tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý), trên khắp cả nước không ghi nhận điểm quan trắc nào có màu khác ngoài màu xanh-tốt cho sức khoẻ.
Lúc 16 giờ ngày 21/8, ứng dụng VNAir (Theo của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) ghi nhận, trong số 65 điểm quan trắc ở 3 miền, chỉ có 3 điểm có chất lượng không khí ở mức màu cam (chấp nhận được) là trạm khí đường Hùng Vương (thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, UBND huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) và Thành uỷ Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh). Có 1 điểm duy nhất ở xã Đông Hải, huyện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh), chỉ số AQI là 130 (màu cam-ảnh hưởng đến sức khoẻ của nhóm người nhạy cảm).
Chất lượng không khí tốt một phần do thời tiết đang trong giai đoạn trời quang, ngày nắng, gió thổi khiến bụi mịn khuyếch tán lên cao. Một phần nữa nhiều tỉnh, thành phố lớn thường bị ô nhiễm nặng hơn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều đang trong thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19.
Trước đó, theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, so sánh kết quả quan trắc chất lượng không khí tại các đô thị miền Bắc thời gian giãn cách xã hội nửa cuối tháng 3 và tuần đầu của tháng 4/2020, sự thay đổi các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người là nguyên nhân quan trọng làm thay đổi chất lượng không khí. Điều này cho thấy ảnh hưởng của các nguồn phát thải như giao thông và hoạt động sản xuất có tác động đáng kể đến chất lượng không khí đô thị. Giá trị CO trung bình 24 giờ thấp hơn hẳn so với trước khi giãn cách.