Trên mạng xã hội, thời gian gần đây lại xuất hiện những cảnh báo các bậc phụ huynh cảnh giác khi cho trẻ em chơi các game trên YouTube, trong đó xuất hiện clip hướng dẫn chơi game có tên "Thử thách Momo". Cụ thể, nhân vật ghê rợn là một người phụ nữ đầu người mình gà với mái tóc đen, làn da nhợt nhạt, mắt lồi hướng dẫn người chơi cách tự làm hại bản thân.
Chị Phạm Thu Thủy, (phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: Vô tình thấy tiếng la hét trên tivi mà các con lại tập trung xem mới để ý đó là các video hoạt hình máu me, bạo lực và chết chóc "ngụy trang" dưới những bộ phim hoạt hình có nội dung trong sáng và đáng yêu dành cho trẻ nhỏ với những hình tượng nổi tiếng như Peppa Pig, Elsa hoặc Spider-Man. Đây đều là những nhân vật hoạt hình được rất nhiều em nhỏ yêu mến và luôn đòi bắt chước theo hành động hoặc trang phục.
Trong thực tế, game này đã được giới truyền thông cảnh báo từ năm 2018 nhưng gần đây lại xuất hiện trên YouTube dưới dạng clip đề xuất cho người dùng xem.
Ông Nguyễn Mai Hùng, chuyên gia công nghê thông tin cho biết: Các clip trên YouTube thường trá hình dựa trên một số tài khoản bắt chước theo hình ảnh các nhân vật hoạt hình của Peppa Pig nên tạo sự tò mò để trẻ em lầm tưởng mỗi khi lựa chọn xem. Khi các bé kích chuột xem, nội dung của video đó dần chuyển sang 1 hướng khác chứa những hình ảnh phản cảm như nha sĩ cầm chiếc ống tiêm lớn xuất hiện, răng của Peppa bị kẹp và kéo ra, tiếng la hét đau đớn, sợ hãi vang lên.
Liên quan đến vấn đề nói trên, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững bày tỏ, những rủi ro trên Internet rất khó lường và ngày càng có nhiều trò chơi nguy hiểm như “Thử thách Cá voi xanh” (hướng dẫn người chơi tự sát qua smart-phone), hay trò chơi với xu hướng nguy hiểm tương tự là "Thử thách Momo".
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho biết, tất cả game trên mạng xã hội đều là con dao 2 lưỡi. Nếu không kiểm soát sẽ rất nguy hại với trẻ em trên môi trường mạng. Mọi người có con nhỏ hay xem YouTube nên để ý các kênh con xem.
Với những ứng dụng tìm kiếm thông minh, chỉ cần tìm kiếm một từ khóa trên Google hoặc YouTube thì lập tức trên mạng xã hội sẽ tự động đề xuất cho người xem một loạt clip tương tự. “Đoạn đầu sẽ là clip bài hát, nhân vật hoạt hình như bình thường, rồi sau đấy là những hành động bạo lực mà background vẫn là nhạc hoạt hình nên cha mẹ nếu không ngồi xem cùng con mà chỉ nghe tiếng sẽ không biết được. Dù là kênh Youtube Kids cũng không kiểm soát được những video hoạt hình trá hình (Peppa Pig) dạy các bé tự tử, bạo lực như nhiều người đang chia sẻ”, ông Nguyễn Mai Hùng nói.
Các chuyên gia về trẻ em cho rằng để ngăn chặn những trò chơi như thế này cần có sự tham gia của rất nhiều bên liên quan, nhất là gia đình và nhà trường – những người gần trẻ em, có cơ hội hỏi trẻ hàng ngày để biết trẻ có tham gia, dễ bị lôi kéo vào trò chơi nguy hiểm hay không. Các phụ huynh nên cùng con tìm hiểu và thường xuyên theo dõi, phân tích những mối nguy hiểm có thể xảy ra để trẻ có thể tự phòng tránh những cạm bẫy trên Internet.
Năm 2018, trò chơi Blue Whale Challenge (Thử thách Cá voi xanh) cũng đã bị nhiều phụ huynh trên thế giới và Việt Nam phản đối do trò chơi này yêu cầu người chơi phải thực hiện hàng loạt thử thách trong vòng 50 ngày. Game dẫn dắt người chơi thực hiện nhiều việc làm khác nhau, từ bình thường đến nguy hiểm, trao đổi trên mạng về cá voi xanh; xem phim cá voi xanh; xem phim kinh dị; vẽ hình cá voi xanh (bằng bút bi) lên cơ thể; sử dụng dao, lưỡi lam hoặc kim khâu để tạo hình dáng cá voi lên cánh tay hoặc chân... Vào ngày cuối cùng (ngày thứ 50), người chơi sẽ được cộng đồng mạng thừa nhận là "người chiến thắng" khi "dũng cảm" tự kết liễu đời mình (tự sát)...