Cụ thể, Thanh tra Bộ TT&TT vừa ra quyết định xử phạt số 13/QĐXPVPHC đối với Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel đã vi phạm hành chính khi thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không đúng quy định và chấp nhận thông tin thuê bao do điểm cung cấp dịch vụ viễn thông không được uỷ quyền.
Với việc thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không đúng quy định, Viettel bị xử phạt 9 triệu đồng. Còn hành vi chấp nhận thông tin thuê bao do điểm cung cấp dịch vụ viễn thông không được uỷ quyền bị xử phạt 100 triệu đồng. Như vậy, tổng cả 2 hình phạt, số tiền mà Viettel phải nộp vào Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội là 109 triệu đồng.
Thanh tra cũng đã ra quyết định xử phạt số 11/QĐXPVPHC đối với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và quyết định xử phạt số 12/QĐXPVPHC đối với Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone). Theo đó, VNPT và MobiFone bị xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi chấp nhận thông tin thuê bao do điểm cung cấp dịch vụ viễn thông không được uỷ quyền. Mỗi doanh nghiệp sẽ phải nộp số tiền phạt là 100 triệu đồng.
Cuối năm 2018, Thanh tra Bộ TT&TT đã tiến hành thanh tra tại Viettel. Kết quả thanh tra cho thấy, khi kiểm tra giấy tờ tùy thân của người sử dụng trong cơ sở dữ liệu thuê bao di động, một số thuê bao có thông tin không đúng như ảnh chứng minh nhân dân, thẻ căn cước là ảnh chụp thẻ mẫu, không phải là ảnh chụp từ giấy tờ thật hoặc thông tin trên cơ sở dữ liệu khác với thông tin trên bản chụp. Một số thuê bao có ảnh chụp thiếu nghiêm túc như cởi trần, không mặc áo.
Kiểm tra trong cơ sở dữ liệu cho thấy, từ ngày 24/4/2017-11/2018 có 122.006 thuê bao được cập nhật thông tin vào ban đêm. Từ ngày 24/4/2017-23/7/2018 có 1.136.143 thuê bao không có ảnh chụp.
Kết quả thanh tra tại Viettel cũng chỉ ra tình trạng nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng sử dụng thuê bao di động với số lượng lớn. Đây cũng là hiện tượng đang xảy ra ở nhiều doanh nghiệp viễn thông khác như MobiFone và VNPT.
Cách thức đăng ký thông tin của một số doanh nghiệp viễn thông này như sau: Doanh nghiệp làm giấy ủy quyền cho các cá nhân (không rõ có phải là nhân viên của công ty hay không) thực hiện giao kết hợp đồng sử dụng thuê bao di động. Mỗi cá nhân này thực hiện ký hợp đồng rất nhiều lần (tần suất cách nhau một vài ba ngày) để sử dụng SIM thuê bao, số lượng mỗi lần từ 50-300 SIM.
Trong kết luận, Thanh tra Bộ TT&TT cũng kiến nghị Bộ trưởng Bộ TT&TT quy trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu doanh nghiệp viễn thông về tình trạng bán SIM kích hoạt sẵn trên thị trường, đồng thời có biện pháp nhắc nhở lần đầu.
Trường hợp doanh nghiệp viễn thông vẫn cố tình vi phạm, hoặc vẫn để tái diễn tình trạng bán SIM rác trên thị trường trong thời gian tới, Bộ sẽ xử lý hành chính, kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo đối với lãnh đạo doanh nghiệp.
Thanh tra cũng kiến nghị tăng cường hơn công tác tuyên truyền về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức khi có SIM thuê bao di động đứng tên mình bị sử dụng vào việc vi phạm pháp luật