Khó kiểm soát
Mới đây, 2 vụ việc ngộ độc rượu tập thể xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh khiến 2 người chết, 11 người nhập viện cấp cứu đã gây xôn xao dư luận. Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, tính chất của cả 2 vụ việc rất nghiêm trọng, trong đó có thể thấy rõ là người dân vẫn chưa ý thức cũng như chưa lường hết được sự nguy hiểm khi sử dụng rượu, nhất là rượu không bảo đảm chất lượng, không có nguồn gốc. Thậm chí, một số người còn pha rượu với nước ngọt, với cồn công nghiệp, cồn rửa tay là vô cùng nguy hiểm.
Theo bà Lan, nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này là do tâm lý người dân cảm thấy bức bí sau thời gian dài giãn cách xã hội bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. Khi dịch tạm thời lắng xuống, người dân hay có xu hướng tụ tập, ăn nhậu nhiều hơn. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng khiến thu nhập giảm khiến một bộ phận người dân tìm đến các loại rượu rẻ tiền, không rõ nguồn gốc, bán trôi nổi. Đồng thời, hiện nay lượng cồn sát khuẩn, rửa tay tồn kho tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, hay tại nhà dân mua trữ mà chưa sử dụng hết trong đợt dịch COVID-19 cũng tiềm ẩn mối nguy hiểm. Đôi khi do cố tình hoặc vô ý, người dân đã pha trộn cồn sát khuẩn vào rượu để sử dụng và dẫn đến ngộ độc.
Ngoài ra, hiện nay có một kẽ hở lớn khiến rượu pha cồn công nghiệp vẫn len lỏi trong đời sống, đó là thông qua các tiệm tạp hóa. Rượu bán ở đây hầu hết không có nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ, đựng trong các can nhựa bán theo lít, theo chai không thể kiểm soát. Thực tế, tại hầu khắp các quán tạp hóa đều có bán rượu với giá rất rẻ, chỉ từ 15.000 đồng đến 30.000 đồng/lít. Tuy nhiên, việc kiểm soát những địa điểm kinh doanh này hiện gặp nhiều khó khăn bởi không thể nào kiểm tra hết toàn bộ tiệm tạp hóa trên địa bàn.
“Khi kiểm tra các điểm sản xuất, kinh doanh rượu, chúng tôi cũng chỉ được kiểm tra trong phạm vi cho phép, nếu họ cố tình giấu ở nơi khác thì chúng tôi không làm gì được. Có chăng thì cũng chỉ truy nguồn gốc, xuất xứ, lấy mẫu kiểm tra với số hàng mà họ đang bán hoặc đang giao dịch mua bán mà thôi”, bà Lan cho hay.
Một thực tế khác đó là ý thức của người dân, người dân chưa nhận thức được sự nguy hiểm của rượu không rõ nguồn gốc, rượu pha cồn công nghiệp. Rất nhiều người vẫn vô tư mua rượu về uống với nhau tại nhà, điều này thì các cơ quan quản lý không thể nào kiểm soát được. Đơn cử như trường hợp, ngay sau khi thông tin vụ việc 8 sinh viên ngộ độc rượu khiến 2 người tử vong rầm rộ trên báo chí thì có 5 người khác là nhân viên của một nhà hàng ở Quận 1 vẫn tụ tập nhậu nhẹt, còn tự pha cồn công nghiệp vào rượu để uống. Theo bà Lan đây là điều “không thể chấp nhận được”.
Cần áp dụng các biện pháp mạnh
Sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc 8 người ngộ độc rượu tại Nhà hàng MrBao Cuisine (số 10A Tăng Nhơn Phú, Khu phố 2, phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức), Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra và phát hiện cơ sở này không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; đồng thời sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Với các hành vi trên, Nhà hàng MrBao Cuisine bị xử phạt hơn 26 triệu đồng; buộc tiêu hủy nguyên liệu, thực phẩm vi phạm. Còn riêng với can rượu 5 lít được mua từ tiệm tạp hóa trên địa bàn, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chờ kết luận chính thức của cơ quan điều tra.
Liên quan đến chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, hiện nay chỉ có thể xử phạt đối với các sản phẩm không xuất xứ, nguồn gốc. "Rượu cũng là một loại thực phẩm, luật có quy định xử phạt với thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ với mức gấp 1 - 2 lần tổng giá trị của sản phẩm. Nhưng rượu không có nguồn gốc, xuất xứ rất rẻ, chỉ vài chục ngàn một lít nên mức xử phạt này không có tính răn đe", bà Lan nhìn nhận.
Mặc dù vậy, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã lên kế hoạch tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, đồ uống có cồn trên địa bàn trong thời gian tới. Cụ thể, bắt đầu từ ngày 15/8 đến hết năm 2022 sẽ phối hợp với UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu thủ công, cơ sở kinh doanh rượu, bia, đồ uống có cồn quy mô nhỏ lẻ, hộ kinh doanh cá thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống quy mô nhỏ lẻ, hộ kinh doanh cá thể có bán rượu, bia, đồ uống có cồn tiêu dùng tại chỗ... Các đoàn sẽ tập trung kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ, nguyên liệu để sản xuất, chế biến rượu, bia, đồ uống có cồn; đồng thời thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với rượu, bia, đồ uống có cồn không đảm bảo an toàn.
Trong quá trình thanh, kiểm tra, các Đoàn sẽ thực hiện lấy mẫu rượu, bia, đồ uống có cồn để gửi kiểm nghiệm; truy xuất nguồn gốc đối với rượu, bia, đồ uống có cồn không đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, bên cạnh công tác thanh, kiểm tra, bà Phạm Khánh Phong Lan khuyến cáo người dân nên hạn chế sử dụng rượu, bia, kể cả các loại đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc, bởi dù ít, dù nhiều việc lạm dụng rượu, bia chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.