Điều đáng nói là khu vực sạt lở lại là nơi đang được thi công công trình kè chống sạt lở sông Ô Môn, dự kiến hoàn thành trong năm 2019. Những ngày qua, người dân sinh sống ở khu vực này luôn trong tâm trạng phập phồng, lo sợ nhà cửa sẽ trôi xuống sông bất cứ lúc nào.
Đã một tuần sau khi căn nhà của bà Nguyễn Thị Hường, ở khu vực Thới Bình, phường Thới An, quận Ô Môn bị sập do sạt lở, đến bây giờ bà vẫn chưa hết bàng hoàng mỗi khi nhớ lại.
Vào khoảng 5 giờ sáng ngày 6/4, một đoạn bờ sông với chiều dài 54m trước nhà bà Hường bất ngờ bị sụp xuống sông. Nơi bị sụp là chỗ đơn vị thi công bờ kè sông Ô Môn vừa đóng cọc chiều hôm trước, đến sáng hôm sau thì sạt lở. Theo bà Hường, từ khi nghe tiếng “ầm ầm” đến khi các cột điện bị gãy đè vào nhà dân chỉ trong tích tắc.
Vẫn chưa hết lo sợ khi kể lại thời điểm sạt lở, bà Hường cho biết, lúc đó bà vừa ẵm đứa cháu chạy ra ngoài vừa hô hoán để hàng xòm chạy lại phụ giúp. Khi vừa thoát ra khỏi nhà thì cũng là lúc giàn giáo công trình đổ ập xuống, đè gãy cây cột điện trước nhà bà Hường sau đó đè sập luôn ngôi nhà cũng là quán cà phê của bà.
Cạnh nhà bà Hường, căn nhà giữ xe của gia đình bà Nguyễn Thị Nuôi cũng bị phá hủy hoàn toàn khi sạt lở xảy ra. Không chỉ mất đi nguồn thu nhập chính hàng ngày mà gia đình bà còn phải tạm dời đi nơi khác vì lo sợ ảnh hưởng đến tính mạng nếu ở lại khu vực này. Bà Nuôi cho biết, chính quyền địa phương đã hỗ trợ bà tháo dỡ căn nhà bị sập và hỗ trợ gia đình 5 triệu đồng.
Ông Trương Văn Phú, Phó trưởng Phòng Kinh tế quận Ô Môn cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, chính quyền quận Ô Môn và thành phố Cần Thơ đã di dời người dân đến nơi an toàn; lắp biển cảnh báo và cử lực lượng túc trực khi có tình huống xấu xảy ra, đồng thời hỗ trợ ban đầu để người dân ổn định cuộc sống.
“Đối với các hộ đã nằm trong vùng sạt lở chúng tôi có yêu cầu các hộ này di dời do sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào cho nên có hỗ trợ cho bà con. Nhưng thực tế người dân vẫn ban ngày qua lại, ban đêm ngủ ở nơi khác”, ông Phú nói.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ, vị trí sạt lở ăn vào trong 12m, sâu 12m, làm gãy 2 trụ điện và 30m đường ống cấp nước bị hư hỏng. Ba căn nhà và một nhà gửi xe; trong đó, có nhà của bà Hường bị nứt tường, sụp lún.
Ngoài ra, ảnh hưởng của vụ sạt lở còn làm cho 18 cọc bê tông cốt thép thuộc tuyến kè chống sạt lở sông Ô Môn bị đẩy dạt ra phía ngoài sông. Riêng đoạn bị sạt lở đang được tiến hành đóng cọc bê tông thì xảy ra sự việc. Ngành chức năng thành phố Cần Thơ đang thống kê thiệt hại, kiểm tra, khảo sát tại đoạn sạt lở để tìm nguyên nhân, có biện pháp khắc phục nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Cũng theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ, số liệu quan trắc tại hiện trường cho thấy, nền đất của khu vực này đang có hiện tượng bị sụt lún trung bình khoảng 15 cm tại vị trí sát bờ sông, các vị trí khác cũng bị lún khoảng 3 cm.
Ông Nguyễn Quý Ninh, Phó chánh Văn phòng Ban cho biết, đây là đoạn sông khá cong và sức nước của sông Ô Môn chênh lệch biên độ triều, đặc biệt là trong thời điểm giao mùa giữa mùa mưa và mùa khô rất lớn.
“Hiện nay, chúng tôi đã cho đơn vị chức năng khảo sát lại toàn bộ lòng sông của khu vực này. Trên cơ sở đó xác định rõ thực trạng cũng như nguyên nhân để đưa ra các giải pháp căn cơ để xử lý sạt lở ở khu vực này”, ông Ninh cho biết.
Từ đầu năm 2018, tại Cần Thơ đã xảy ra 2 vụ sạt lở, một tại tuyến kênh Thơm Rơm, quận Thốt Nốt và một tại sông Ô Môn.
Theo ông Ninh, sạt lở bờ sông trên địa bàn thường xảy ra tại các quận, huyện có các tuyến sông lớn chảy qua như sông Hậu, sông Cần Thơ và các tuyến sông lớn nối với sông Hậu.
Tại quận Ô Môn, tuyến sông Ô Môn đặc biệt khu vực vàm Thới An, nơi tiếp giáp với sông Hậu những năm gần đây thường xuyên xảy ra sạt lở với hàng chục điểm lớn nhỏ. Đây là khu vực cửa sông lớn, có lưu lượng tàu thuyền qua lại rất đông. Các vụ sạt lở đã làm nhiều tuyến đường giao thông nằm dọc sông Ô Môn bị hư hỏng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc đi lại cũng như an toàn cho người dân.
Mặc dù sạt lở diễn ra ngày càng nhiều với mức độ nghiêm trọng cũng tăng theo nhưng do nguồn lực có hạn nên việc phòng, chống sạt lở trên tuyến sông này cũng như các tuyến khác của thành phố Cần Thơ phần lớn chỉ là các giải pháp tạm thời.
Tại quận Ô Môn cũng mới chỉ có dự án Kè chống sạt lở sông Ô Môn, hiện đang được thi công giai đoạn 3 với tiến độ hoàn thành khoảng 50% khối lượng công trình. Công trình này có tổng vốn đầu tư 416 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 3 của dự án này có chiều dài 1.767 m, dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2019.
Theo Phó chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố Cần Thơ Nguyễn Quý Ninh, vào giai đoạn chuyển mùa thì tình hình sạt lở trên địa bàn thành phố diễn ra phổ biến trên diện rộng. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố đã yêu cầu Ban chỉ huy các quận, huyện thành lập các đoàn đi khảo sát, đánh giá hiện trạng sạt lở để có biện pháp chủ động phòng ngừa.
Về phương án phòng chống sạt lở, ngành chức năng thành phố Cần Thơ vận dụng nhiều giải pháp; trong đó thiên về giải pháp phi công trình. Đây là giải pháp không tốn kém nhiều kinh phí nhưng hiệu quả mang lại rất lớn.
Theo ông Ninh, nguyên nhân gây ra sạt lở gồm cả các yếu tố tự nhiên và con người. Tùy theo vị trí, đặc thù của từng khu vực mà nguyên nhân gây sạt lở khác nhau. Những năm gần đây, sạt lở là quy luật tự nhiên, dù không có tác động của con người thì vẫn sạt lở. Tuy nhiên, cùng với tác động của con người thì sạt lở diễn ra nhanh hơn, phạm vi rộng hơn.
Theo ông Ninh, do người dân lấn chiếm lòng sông, kênh rạch bị co hẹp lại, gia tài lên bờ sông ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, việc khai thác cát không theo quy hoạch cùng với tác động của biến đổi khí hậu và yếu tố mùa như cuối mùa khô đầu mùa mưa, cuối mùa lũ… là các nguyên nhân khiến sạt lở ngày càng nhiều. Thời gian sạt lở diễn ra nhiều nhất vào các tháng 4, 5, 6 hàng năm.