Cần định hướng giáo dục trẻ em đồng tính tại gia

Lâu nay cuộc sống của trẻ em đường phố đồng tính, song tính, chuyển giới (tiếng Anh là: Lesbians, Gays, Bisexuals, Transgender, gọi tắt là LGBT) ít được xã hội quan tâm. Tuy nhiên, kết quả khảo sát mới đây do Viện Nghiên cứu Kinh tế, Xã hội và Môi trường (ISEE) và Tổ chức cứu trợ trẻ em Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, tình trạng bị xâm hại rất đáng lưu tâm với những đối tượng này.

 

Đừng làm những điều bất thường


Khi sống lang thang trên đường phố, trẻ em LGBT gặp nhiều khó khăn vì bị cộng đồng xa lánh. Em Sukin (biệt danh) kể: Khó khăn nhất là không có chứng minh thư (CMT). Không có CMT, những em LGBT cũng không thể thuê ở trọ, xin việc làm và bị dân phòng kiểm tra bất kỳ lúc nào. “Chính vì vậy, các em LGBT thường xuyên tự tụ tập thành cộng đồng để chia sẻ thông tin và hỗ trợ nhau. Tuy nhiên, không có việc làm, nguồn thu nhập thiếu ổn định đã dẫn tới việc các em LGBT phải sống vạ vật nay đây mai đó và gặp những nguy cơ về mại dâm, trộm cắp”, đại diện Tổ chức cứu trợ Trẻ em Việt Nam khẳng định, “Đáng lo ngại là nhóm trẻ em này có nguy cơ bị bóc lột cao, bởi những kẻ môi giới thường dùng thủ đoạn đưa các em tham gia hoạt động bất hợp pháp, đặc biệt là mại dâm. Bên cạnh đó, với sự non nớt trong kinh nghiệm sống, rất nhiều em đã sử dụng chất kích thích hoặc làm hại bản thân (rạch tay, tự tử) khi đối mặt với những xung đột, khủng hoảng xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Đây là nhóm trẻ dễ bị tổn thương và gặp nhiều rủi ro nhất trong nhóm trẻ lang thang”.


 

Ông Hoàng Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ trẻ em phát biểu tại hội thảo trẻ em đồng tính đường phố. Nguồn: iSEE

 

Các chuyên gia về tư vấn gia đình đều chung nhận định, vấn đề LGBT còn khá mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, với trẻ em, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, mà phải sống lang thang ngoài đường phố đều là những đối tượng cần được quan tâm. Bà Thu Hường, Giám đốc Trung tâm Cenforchil (Trung tâm Bảo vệ quyền trẻ em) cho rằng: Xã hội chỉ chú ý nhìn vào những gì bất thường. Những em LGBT cũng sẽ bị cộng đồng chú ý khi có những hành động khác bình thường. Quan sát trên video do chính các em tự quay, giới thiệu về cuộc sống những trẻ em LGBT cho thấy, các em thường tụ tập phì phèo thuốc lá, ăn mặc cũng khác bình thường nên xã hội để ý là chuyện dễ hiểu. Chính vì vậy, các em nên sinh hoạt bình thường như mọi người và quan trọng là có định hướng từ gia đình để học tập, phát triển bình đẳng như mọi trẻ em khác.

 

Cần sự giáo dục tại gia đình


Do bị phân biệt đối xử ngay trong gia đình, không chịu được không khí áp đặt, kỳ thị của người thân nên trẻ em LGBT đã lựa chọn cuộc sống trên đường phố để “sống đúng với bản thân” theo sở thích và nhu cầu về bản dạng giới. Tuy nhiên, cuộc sống đường phố đã tách các em ra khỏi các quyền cơ bản của trẻ em: Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, được chăm sóc y tế và được học tập; đồng thời đặt các em trước nhiều nguy cơ bị lạm dụng tình dục, bấp bênh về việc làm trong tương lai.


Theo ông Hoàng Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ trẻ em: “Đây là lần đầu tiên có nghiên cứu ban đầu về trẻ em LGBT và chỉ ra được nguyên nhân bỏ nhà đi lang thang, điều kiện sống, nguy cơ bị xâm hại. Nghiên cứu đã đề cập tới vấn đề mới của xã hội. Về quan điểm khoa học, chúng ta cần phải nghiên cứu sâu hơn. Điều kiện sống, cơ hội việc làm, các nguy cơ xâm hại, lây nhiễm bệnh, nguy cơ bị bắt giữ, phản ứng của cộng đồng của trẻ em LGBT là điều rất đáng quan tâm, nó cho thấy sự thiếu định hướng. Kết quả sơ bộ của nghiên cứu này và cuộc trao đổi thực tế với các trẻ em LGBT gợi mở ra các hướng nghiên cứu sâu hơn. Thời gian tới, nhóm nghiên cứu nên có thống kê cụ thể về số trẻ em này để từ đó có những giúp đỡ về tâm lý, xã hội và giúp cơ quan quản lý nhà nước có những số liệu, bằng chứng khoa học và từ đó có chính sách giúp đỡ trẻ em đồng tính. Cụ thể, cả nước hiện có 25 triệu trẻ em, chiếm 29% dân số, trong đó có khoảng 2,6 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và nhóm trẻ LGBT này chiếm khoảng bao nhiêu và cần sự hỗ trợ cụ thể ra sao?”.


Đáng chú ý là sự thiếu hụt trong quan điểm nhận thức của nhóm đối tượng trẻ LGBT về luật pháp. Theo quy định của luật pháp, trẻ em phải sống với bố mẹ, trong khi các em hầu hết là bỏ nhà đi để được sống theo đúng bản dạng giới của mình. “Chúng tôi khuyến nghị với gia đình phải trực tiếp quan tâm tới các em LGBT, tìm hiểu về luật pháp, y học để có những chia sẻ, cảm thông. Đồng thời, xã hội sẽ không ai kỳ thị trẻ LGBT nếu các em có hành động như người bình thường”, ông Hoàng Văn Tiến cho biết.


Còn luật sư Lê Thị Ngân Giang cho biết: Trước đây Việt Nam mới chỉ đề cập đến bình đẳng nam nữ, mà chưa có quy định nào dành cho người LGBT. Trẻ em đồng tính, song tính và chuyển giới nên được đưa vào nhóm có hoàn cảnh khó khăn, cần sự bảo vệ đặc biệt.


Qua trao đổi với các em LGBT có thể nhận thấy, do ở tuổi vị thành niên nên các bậc phụ huynh hiếm khi để tâm đến suy nghĩ của các em, mà hay quy kết các em chịu ảnh hưởng từ internet và bạn bè cùng lứa. Các biện pháp thu gom của các tổ chức xã hội với các em cũng đều không cân nhắc đến đặc thù tâm lý của nhóm trẻ này. Chính vì vậy, các chuyên gia nghiên cứu về gia đình cho rằng, thay vì thu gom, hãy tổ chức các trung tâm để đưa những trẻ em LGBT này vào môi trường đào tạo nghề và tạo cơ hội việc làm cho các em từ chính những trung tâm này nếu biện pháp đưa về gia đình quản lý không hiệu quả.


Xuân Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN