Đó là kiến nghị của các đại biểu tham dự Hội thảo “Thực trạng và giải pháp phòng chống xâm hại và buôn bán trẻ em” do Hội Bảo trợ trẻ em TP Hồ Chí Minh tổ chức diễn ra ngày 16/6.
Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017, địa bàn thành phố xảy ra 104 vụ xâm hại, bạo lực trẻ em. Trước đó, giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2015, cơ quan tố tụng của thành phố đã đưa ra xét xử 966 vụ với 826 bị can về các tội xâm hại, bạo lực, hành hạ trẻ em.
Thiếu nhi vui chơi tại Khu du lịch văn hóa Suối Tiên, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN |
Ông Nguyễn Văn Tính, Phó Trưởng Phòng Chăm sóc bảo vệ trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho rằng, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, thực tế số vụ xâm hại, bạo lực với trẻ em cao hơn phát hiện nhiều.
Nguyên nhân là do nhiều gia đình biết nhưng không tố giác tội phạm, không hợp tác, không phối hợp kịp thời hoặc tự giải quyết, thương lượng với các đối tượng xâm phạm trẻ em. Chỉ một số trường hợp thương lượng không thành mới đưa ra chính quyền giải quyết. Điều này khiến việc tiếp cận, thu thập chứng cứ, điều tra vụ án trở nên khó khăn và phần thiệt thòi bao giờ cũng thuộc về trẻ em.
Theo Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh, khó khăn trong tố giác, đấu tranh với tội phạm xâm hại, bạo lực với trẻ em là thu thập chứng cứ. “Đa phần các em còn quá nhỏ, chưa có ý thức lưu giữ chứng cứ, trong khi gia đình có tâm lý, xấu hổ không muốn làm lớn chuyện nên rất khó buộc tội các đối tượng xâm hại trẻ”, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ chia sẻ.
Vì vậy, theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, cần tuyên truyền tận nơi, nhất là tuyên truyền cho phụ nữ - chính người mẹ của trẻ mạnh dạn tố cáo khi phát hiện con mình có dấu hiệu bị xâm hại, cần bình tình lưu giữ, thu thập chứng cứ để buộc tội đối tượng xâm phạm con mình.
Các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội có nhiều thông tin về những vụ bắt cóc trẻ em để lấy nội tạng khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, theo đại diện Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh, đến thời điểm này chưa xảy ra vụ bắt cóc trẻ em trên địa bàn thành phố.
Về giải pháp, ngoài việc tuyên truyền phổ biến pháp luật, các đại biểu cho rằng, cơ quan Công an cần linh hoạt hơn trong việc thu thập chứng cứ; cần đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ Công an nữ trong việc điều tra xâm hại tình dục trẻ em, đồng thời tăng chế tài xử phạt đối với tội phạm buôn bán, xâm hại trẻ em.