Các tỉnh, thành phố Bắc Trung Bộ chủ động ứng phó với vùng áp thấp

Ngày 20/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản số 7073/BNN-ĐĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ về việc triển khai ứng phó với vùng áp thấp và mưa lớn trong những ngày tới.

Chú thích ảnh
Tuyến đường ở thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam bị ngập nước khiến người và phương tiện lưu thông rất khó khăn. Ảnh minh họa: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 21 - 22/9, rãnh áp thấp có khả năng hình thành vùng áp thấp ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Bắc Biển Đông và vịnh Bắc Bộ. Từ ngày 22 - 23/9, một đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, khả năng xuất hiện mưa to diện rộng ở phía Đông Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8 - 9.

Để chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết nguy hiểm và mưa lớn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thuộc khu vực nêu trên theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết nguy hiểm trên biển. Trên đất liền, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo việc triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để khơi thông dòng chảy; chủ động di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; sẵn sàng phương án tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn...

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, hoàn lưu bão số 4 gây mưa lớn đã gây nhiều thiệt hại tại số tỉnh khu vực miền Trung.

Tại tỉnh Quảng Bình, đêm 19/9 và rạng sáng 20/9 đã khiến nước trên sông Gianh dâng cao, gây ngập nhiều khu vực. Riêng tại 2 huyện miền núi Minh Hóa và Tuyên Hóa, hàng trăm nhà dân đã bị ngập sâu trong nước. Đến 11 giờ trưa 20/9, tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Bình đã bắt đầu tạnh mưa, mực nước trên sông Gianh không tiếp tục dâng lên và đang có dấu hiệu rút xuống. Chính quyền các địa phương có nhà dân bị ngập đã chủ động triển khai lực lượng, khi nước rút sẽ hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa, ổn định đời sống.

Mưa lớn tại tỉnh Quảng Bình cũng làm nhiều ngầm tràn nước ngập sâu, chảy xiết, gây chia cắt cục bộ. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tan và Tìm kiếm cứu nạn kiêm phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, tại huyện Bố Trạch hiện có 5 ngầm tràn nước ngập sâu từ 0,5 - 5m. Một số tuyến đường liên thôn, xã đi qua thôn Phú Hữu, Phú Kinh (xã Liên Trạch) bị ngập, có đoạn ngập sâu 1,2m. Hiện lực lượng các Đồn Biên phòng đã phối hợp chính quyền địa phương đặt biển báo cấm người, phương tiện không qua lại khu vực nước chảy xiết và bố trí lực lượng chốt chặn. Ngoài ra, trên Quốc lộ 12A, Quốc lộ 9B, Quốc lộ 15 ở Quảng Bình hiện có nhiều ngầm tràn nước ngập sâu từ 0,2 - 1m...

Đối với tỉnh Hà Tĩnh, các vùng ven sông Rác, sông Ngàn Mọ, huyện Cẩm Xuyên đã chủ động di dời 21 hộ với 55 nhân khẩu ở các xã Cẩm Lạc, Cẩm Duệ nằm trong diện sạt lở đất đến nơi tránh trú an toàn… Chính quyền các huyện Hương Khê và Thạch Hà cũng chủ động di dời dân vùng hay ngập lụt đến địa điểm an toàn. Nhằm tránh nguy cơ thiệt hại do sạt lở đất ở khu vực núi Nam Giới, huyện Thạch Hà cho di dời 5 hộ với 18 nhân khẩu ở thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn đến nơi trú ngụ an toàn...

Để đảm bảo an toàn, sáng 20/9, hơn 10.800 học sinh thuộc 24 cơ sở giáo dục ở huyện Hương Khê đã được cho nghỉ học. Ngành giáo dục đã ban hành văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai các biện pháp phòng chống bão lũ; phân công lãnh đạo, chuyên viên phụ trách các cụm trường để kịp thời nắm bắt thông tin, triển khai nhiệm vụ, phối hợp xử lí tình huống bất thường. Các trường giữ liên lạc với phụ huynh để phối hợp quản lý, hỗ trợ học sinh. 

Đối với tỉnh Nghệ An, ở những khu vực có nguy cơ sạt lở, chính quyền các xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn; Quang Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đã chủ động di dời 49 hộ dân với 188 nhân khẩu đến nơi an toàn. Tại huyện Thanh Chương, mưa lớn khiến nước từ khe suối dâng cao, dòng chảy qua các cầu tràn lớn. Hiện xã Ngọc Lâm với gần 6.000 nhân khẩu đã bị chia cắt với các địa phương khác; có 3 hộ ở khu vực ngập lũ đã được di dời tới nơi an toàn. Học sinh các cấp ở xã đã được thông báo nghỉ học.

Mưa lớn gây ngập nhiều khu vực tại các địa phương như Quảng Bình, Quảng Trị , Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, hiện các địa phương trên đã sơ tán được 2.322 hộ, trong đó, sơ tán 2.230 hộ khu vực có nguy cơ ngập (Quảng Bình 874 hộ, Quảng Trị 1.073, Thừa Thiên - Huế 283 hộ) và sơ tán 63 hộ khu vực có nguy cơ sạt lở ở tỉnh Quảng Nam.

Theo thông tin từ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, tính đến 17 giờ ngày 20/9, đã có 1 người bị thương (Thừa Thiên - Huế); 96 nhà bị tốc mái ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, 1 điểm trường bị hư hỏng, tốc mái; 2 điểm ngập cục bộ đường, ngầm tràn ở Quảng Trị; 103 điểm sạt lở ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-  Huế, Quảng Nam.

Sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương chỉ đạo, huy động các lực lượng liên quan hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.

Thắng Trung (TTXVN)
Ứng phó với vùng áp thấp và mưa lớn
Ứng phó với vùng áp thấp và mưa lớn

Ngày 20/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ về việc triển khai ứng phó với vùng áp thấp và mưa lớn trong những ngày tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN