Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng cho biết: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ định hướng phát triển đất nước ta 10 năm tới và các năm tiếp theo trong đó đạt mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo đến 2025 là 70% trong tổng lực lượng lao động, trong đó 30% có bằng cấp, chứng chỉ và đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 75% trong tổng lực lượng lao động trong đó 40% có bằng cấp, chứng chỉ. Đảng, Nhà nước đã xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược và định hướng xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) mở và linh hoạt, chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động, hình thành đội ngũ lao động lành nghề, tạo cơ sở cho triển khai đổi mới, phát triển GDNN trong giai đoạn tới.
Để đáp ứng yêu cầu trên, Bộ LĐTBXH đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn 2045 để hỗ trợ nguồn lực cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, nhưng nếu phụ thuộc vào đầu tư của nhà nước là chưa đủ. Hiện nay, vẫn còn một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp có số giờ thực tập thấp, tỷ lệ học sinh, sinh viên trên một thiết bị đào tạo còn cao, ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy của nhà giáo cũng như việc rèn luyện kỹ năng tay nghề cho người học.
Vì vậy, việc tự nghiên cứu, sản xuất thiết bị đào tạo trở thành nhiệm vụ quan trọng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và nếu chúng ta làm tốt công tác này thì hàng năm sẽ cung cấp một số lượng đáng kể thiết bị đào tạo, không chỉ được sử dụng tại trường mình mà còn có thể cung cấp cho nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác, góp phần giảm áp lực đầu tư ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp.
“Thực tế, qua báo cáo đánh giá, kiểm tra hoạt động giáo dục nghề nghiệp và theo dõi sau 6 lần tổ chức các hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc, chúng ta thấy lợi ích to lớn, hiệu quả và ý nghĩa thiết thực của việc tự sản xuất thiết bị đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nhiều thiết bị tự làm đã đáp ứng tốt các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của chương trình đào tạo và được sử dụng tối đa trong quá trình dạy học của các trường. Sự áp dụng, sáng tạo thiết bị phù hợp với điều kiện đời sống thực tiễn của địa phương, ứng dụng khoa học công nghệ thời kỳ 4.0”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết.
Bộ LĐTBXH mong muốn thông qua các kỳ hội thi sẽ lựa chọn được thiết bị có tính sư phạm, tính khoa học, kỹ thuật và sáng tạo, tính ứng dụng cao để tôn vinh đưa vào sử dụng trong phạm vi cả nước. Đồng thời, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng cần nghiên cứu tạo ra cơ chế phù hợp để thúc đẩy phong trào sản xuất thiết bị đào tạo ngày càng hiệu quả, chất lượng hơn, xem xét việc hàng năm dành một phần kinh phí để hỗ trợ tự sản xuất thiết bị đào tạo, có chính sách để các thiết bị đào tạo tự làm đạt giải cao trong các Hội thi toàn quốc có chỗ đứng trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cả những chính sách để khuyến khích phong trào nghiên cứu, sáng tạo, tự thiết kế, chế tạo thiết bị đào tạo trở thành công việc thường xuyên trong hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Hội thi thiết bị đào tạo tự làm lần thứ 7 năm 2022 là sân chơi bổ ích và ý nghĩa; nơi mà các nhà giáo, các nhà quản lý giáo dục nghề nghiệp và các em học sinh, sinh viên thể hiện sự sáng tạo, niềm đam mê nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để sáng chế và cải tiến thiết bị đào tạo. Hội thi năm nay có sự tham gia của 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 381 thiết bị đến từ 191 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. So với các hội thi trước, năm nay hội thi tăng về số lượng và được nâng cao hơn về chất lượng.
Ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết: Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, tỉnh đang tiếp tục phát triển mạnh 4 trụ cột kinh tế: Công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Do vậy, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yêu cầu bức thiết, trở thành một trong những nhiệm vụ chiến lược vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài trong quá trình xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Do đó, việc ưu tiên phát triển giáo dục nghề nghiệp luôn được tỉnh chú trọng, quan tâm và đầu tư thích đáng. Hiện toàn tỉnh có 46 đơn vị tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong đó có 13 trường cao đẳng và trung cấp tham gia đào tạo gần 50 nghề khác nhau góp phần cung ứng nhân lực có tay nghề cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ 7, năm 2022 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là dịp để trao đổi, học hỏi lẫn nhau giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về kinh nghiệm sáng chế, cải tiến và sử dụng thiết bị đào tạo; cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp có cơ sở lựa chọn các thiết bị đào tạo tự làm có chất lượng, hiệu quả trong đào tạo để triển khai áp dụng rộng rãi trong cả nước đồng thời phát huy tiềm năng trí tuệ của đội ngũ nhà giáo, học sinh, sinh viên và cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc tự làm thiết bị đào tạo nhằm phục vụ cho công tác đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo.